Chiều 7/12, ngày làm việc thứ hai HĐND TP HCM đã thông qua 9 tờ trình, trong đó nhất trí đổi tên hầm Thủ Thiêm thành đường hầm sông Sài Gòn
Mặc dù còn nhiều ý kiến chưa đồng tình, nhưng cuối cùng HĐND thành phố cũng đã biểu quyết thông qua tờ trình của UBND thành phố về việc đặt tên hầm Thủ Thiêm thành đường hầm sông Sài Gòn chiều 7/12.
Đây là vấn đề được đề xuất trong phiên thảo luận kỳ họp HĐND TP.HCM chiều ngày 6/12. Vấn đề này không chỉ làm nóng không khí tranh luận trong phiên họp, mà còn gây sự chú ý của nhiều người dân.
Giám đốc Sở giao thông Vận tải Trần Quang Phượng cho rằng, có một công trình gắn liền với sông Sài Gòn thì cũng phải có một cái tên như thế nào để người dân nhớ lại sự phát triển của thành phố. Cái tên Đường hầm sông Sài Gòn là phù hợp nhất. Nó vừa thể hiện quá khứ và tương lai phát triển của thành phố.
"Đường hầm này đặc biệt ở chỗ từ nay về sau chúng ta sẽ không có đường hầm bộ nào xuyên sông Sài Gòn nữa nên không có khả năng trùng tên", ông Phượng nói.
Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, đặt tên đường hầm sông Sài Gòn gắn với sông Sài Gòn chứa đựng nhiều giá trị đặc trưng của TP HCM. "Một công trình tầm cỡ nếu đặt tên gắn với một con sông là niềm tự hào của người dân thành phố", bà Tâm nói.
Theo TS. Nguyễn Minh Hòa, Trưởng khoa Đô thị học Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM cho rằng: “Tên hầm Thủ Thiêm không có lý do gì để thay đổi. Người dân đã sử dụng để thay thế phà Thủ Thiêm và dần ăn sâu vào tiềm thức. Sự xuất hiện của công trình này đã xóa sổ phà Thủ Thiêm thì việc lấy tên để bù đắp địa danh cũng là điều hợp lý. Về cái tên mới là Sài Gòn thì công trình này vẫn chưa đủ quy mô để được gửi gắm cái tên này.”
Với những cái tên đã được sử dụng nhiều thì việc những cái tên mới xuất hiện nhiều người cho rằng phải chăng chỉ được sử dụng trong văn bản hành chính.
Anh Trần Việt Anh, làm việc tại Cảng Cát Lái cho biết: “Thay vì đi làm qua phà thì bây giờ là qua hầm, chỉ là chuyển đổi phương thức di chuyển. Điều cần thiết đó là làm cách nào để việc lưu thông qua hầm được ổn định hơn là cần đặt cái tên gì. Hầm chui này có mang tên gì đi chăng nữa cũng chỉ là phục vụ nhu cầu đi lại. Từ trước đến nay người dân đã quen với tên gọi này, nếu có đổi thì tên mới chưa hẳn đã được người dân sử dụng”.
Tuy vậy, xung quanh việc hầm Thủ Thiêm có thể sẽ bị đổi sang một cái tên khác TS. Nguyễn Minh Hòa còn cảnh báo việc mất dần những cái tên đã tồn tại hàng trăm năm, ông chia sẻ: “Cái tên Thủ Thiêm đã tồn tại cả trăm năm nay nên việc thay tên lần này cũng mang lo ngại cho việc bị mai một. Nhiều cái tên như Gia Định, Chợ Lớn… cũng dần phai nhạt trong nhận thức của người dân.”
Ông cho biết thêm, cần phải có kế hoạch khôi phục lại những tên cũ đã mất trước đây, điều đó cũng như khôi phục lại không gian văn hóa. Đi nhiều nước trên thế giới thì nhiều nơi vẫn còn sử dụng tên gọi Sài Gòn cho TP.HCM bây giờ. Vì thế việc khôi phục những cái tên cũ là điều cần làm hơn là xóa sổ nó.
Hoa Lê (T.H)