Hàng trăm ngôi nhà, công trình lịch sử thuộc các quận 1, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận và Tân Bình (TP HCM) gần các giếng thu hồi nước thải thuộc dự án Cải tạo môi trường lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đang bị lún, nứt và có nguy cơ sụp đổ. Tuy nhiên, nhà thầu thi công vẫn khất lần chuyện đền bù.
Hàng trăm ngôi nhà, công trình lịch sử thuộc các quận 1, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận và Tân Bình (TP HCM) gần các giếng thu hồi nước thải thuộc dự án Cải tạo môi trường lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đang bị lún, nứt và có nguy cơ sụp đổ. Tuy nhiên, nhà thầu thi công vẫn khất lần chuyện đền bù.
Các giếng thu hồi nước thải này được thi công từ năm 2003. Ngay khi những đốt đầu tiên của giếng số 34 đường Phú Mỹ, phường 22, quận Bình Thạnh, được hạ xuống thì nhà chị Trịnh Thị Hoa, ở gần đó bắt đầu xuất hiện lún nứt. Đến nay, toàn bộ ngôi nhà đã lún sâu 1 m, trên vách tường dọc ngang các vết nứt. " nhà tôi có thể sập đổ bất cứ lúc nào!", chị Hoa lo lắng.
Trong khi đó bia tưởng niệm Mặt trận Thị Nghè, phường 19, quận Bình Thạnh, đang tiếp tục bị nứt, hư hỏng nặng. Thân bia bị nghiêng về hướng kênh gần đó và có nguy cơ sạt lở. Theo một báo cáo mới đây của UBND quận Bình Thạnh, hiện đã có 78 căn nhà quanh giếng 34 bị lún nứt và hàng loạt tuyến đường trong khu vực bị lún theo, ngập sâu khi có nước triều.
Khu vực gần các giếng nằm trên địa bàn quận Phú Nhuận cũng xuất hiện nhiều nhà bị lún tương tự. Bà Võ Thị Hoàng, nhà số 105/37 Cao Thắng, phường 17, quận Phú Nhuận, cạnh giếng S16, cho biết, kể từ lúc đơn vị thi công dựng hàng rào và triển khai xây dựng, mỗi khi trời mưa là các con hẻm đều bị ngập nặng...
Thống kê của quận 3 và Tân Bình cũng cho thấy quanh các giếng thu nước thải từ số 1 đến số 9 có hơn 40 căn nhà bị ảnh hưởng, cần di dời gấp.
Lần khân chuyện đền bù
UBND TP HCM đã có văn bản "buộc" nhà thầu xây dựng các giếng thu hồi nước thải nói trên phải chịu trách nhiệm bồi thường nhà dân bị lún, nứt.
Nhưng theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó chủ tịch UBND quận Bình Thạnh khẳng định trong văn bản thì nhà thầu thiếu thiện chí, bất hợp tác với chính quyền và người dân trong việc đền bù thiệt hại.
Từ năm 2003 đến nay, nhà thầu mới hỗ trợ sửa chữa nhà cho 28 trường hợp. 50 trường hợp còn lại, theo nhà thầu "phải chờ kết quả xác định nguyên nhân gây lún nứt nhà và kiểm định mức độ thiệt hại".
Nhà thầu cho rằng, nguyên nhân lún nứt nhà dân là do gia tải mặt đường cầu Văn Thánh 2 và việc xây cầu Thủ Thiêm. "Trước đây nhà thầu đã chấp nhận đền bù, nay họ lại đưa ra cớ này cớ khác. Nhưng cả hai công trình cầu Văn Thánh 2 và Thủ Thiêm cách giếng số 34 tới hàng trăm mét thì làm sao mà ảnh hưởng tới các nhà dân được!", ông Huỳnh Văn Ngôn, Phó chủ tịch phường 22, quận Bình Thạnh bức xúc. Ông Ngôn còn cho hay, một số hộ dân ở phường 22 đang chuẩn bị hồ sơ khởi kiện nhà thầu này.
Các hộ dân bị ảnh hưởng thuộc các quận 1, 3, Phú Nhuận và Tân Bình cũng đang phải đợi nhà thầu kiểm định mức độ thiệt hại và nguyên nhân gây ra lún nứt nhà.
Chủ đầu tư, nhà thầu đổ trách nhiệm cho nhau
Đơn vị thi công các giếng dọc kênh Nhiêu Lộc- Thị Nghè là nhà thầu liên danh giữa Việt Nam và Trung Quốc (nhà thầu TMEC & CHEC 3). Phương pháp lắp đặt giếng của họ là đúc từng đốt giếng trên mặt đất rồi đào đất phía dưới cho từng đốt tụt xuống. Độ sâu trung bình mỗi giếng là 16-18 m và đường kính miệng giếng khoảng 10 m.
Theo các chuyên gia thuộc Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật TP HCM, với phương pháp thi công như vậy, những căn nhà nằm trong bán kính cách giếng 10 m chắc chắn bị ảnh hưởng, thậm chí sụp đổ. Trong khi đó, khoảng cách thực tế từ nhiều giếng đến nhà dân chưa đầy 5 m.
Nhà thầu cho rằng, chi tiết về khoảng cách đó không thể hiện trong hồ sơ mời thầu. Sau khi trúng thầu, phát hiện nhiều nhà dân có nguy cơ bị ảnh hưởng, nhà thầu đã kiến nghị đơn vị tư vấn CDM International Inc (gọi tắt là CDM) điều chỉnh theo hướng dịch chuyển tâm giếng về phía bờ kênh, cách xa nhà dân. Nhưng kiến nghị này không được phía CDM chấp thuận.
Tuy nhiên, theo Ban quản lý dự án vệ sinh môi trường TP HCM, chủ đầu tư dự án, căn cứ theo hợp đồng, nhà thầu đã không thực hiện đúng theo thiết kế và giải pháp thi công mà CDM đề ra. Tháng 2 vừa qua Sở GTCC đã có công văn khẳng định nhà thầu phải bảo đảm an toàn cho người và các công trình lân cận.
Tháng 3, UBND TP HCM ra thông báo khẳng định, nhà thầu không thể đổ lỗi và trách nhiệm cho chủ đầu tư vì hồ sơ mời thầu đã nêu rõ các điều kiện trong khu vực thi công. Do đó, nhà thầu phải tìm giải pháp thi công đảm bảo an toàn cho nhà dân, công trình gần các giếng và phải chịu các chi phí khi các trình trên bị ảnh hưởng.
(Theo VnExpress)