Sự hiện diện của các văn bản pháp lý liên quan đến công tác quản lý, hợp đồng mua bán căn hộ chung cư, đã tạo ra những thay đổi.
Sự hiện diện của các văn bản pháp lý liên quan đến công tác quản lý, hợp đồng mua bán căn hộ chung cư, đã tạo ra những thay đổi.
Chung cư - vì là "chung" nên vốn dĩ đã tiềm ẩn nhiều khả năng tranh chấp. Nhiều khu ở theo mô hình chung cư đã được đưa vào sử dụng từ năm 2000 nhưng đến cuối năm 2005 chúng ta có Luật Nhà ở, đến tháng 5/2008, Bộ Xây dựng mới ban hành Quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư. Tháng 2/2009, Thông tư 01 của Bộ Xây dựng hướng dẫn mẫu hợp đồng mua bán căn hộ trong nhà chung cư mới được ban hành trong sự mong mỏi của nhiều người dân đô thị. Trong giai đoạn thiếu vắng các quy định pháp lý, nhiều tranh chấp đã xảy ra. Nổi cộm nhất là những tranh chấp về sở hữu chung - riêng. Nguyên nhân khác dẫn đến những khúc mắc nặng nề sau này là do vài năm trở về trước việc mua được một căn hộ còn rất khó, cung không đáp ứng nổi cầu. Người mua được nhà thì lấy làm may mắn nên không mấy quan tâm đến các vấn đềnhư việc quản lý, vận hành, sở hữu diện tích chung như thế nào. Các vấn đề kỹ thuật như giá cả, tiến độ thanh toán, thời hạn giao nhà là đủ cho một hợp đồng mua - bán giữa chủ đầu tư và người mua nhà.
Sự hiện diện của các văn bản pháp lý liên quan đến công tác quản lý, hợp đồng mua bán căn hộ chung cư, đã tạo ra những thay đổi. Dự án mới khi muốn bán nhà đều phải minh bạch mọi thông tin chi tiết ngay từ đầu với người mua để người mua có đủ cơ sở quyết định mua hay không mua căn hộ. Thêm vào đó, trong bối cảnh nguồn cung đang trở nên dồi dào, sẽ có những thay đổi đáng kể trong quan hệ giữa bên mua và bên bán, thị trường cũng sẽ minh bạch hơn. Theo quy định mới, tất cả những nội dung thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng các tài sản chung, cách tính chi phí vận hành, bảo trì thiết bị tiện ích chung, chi phí trang trải các dịch vụ chung… là một phần không thể tách rời khỏi hợp đồng mua bán căn hộ. Diện tích nào chủ đầu tư giữ lại làm tài sản riêng hoặc để tổ chức kinh doanh các dịch vụ phải được công bố một cách minh bạch và vốn đầu tư vào các phần diện tích đó không được phân bổ vào giá bán các căn hộ.
Tranh chấp giữa các chủ thể sẽ giảm từ khi các văn bản pháp quy có hiệu lực. Nhưng vấn đề rắc rối chưa hết đối với những dự án trước đây chưa phân định được sở hữu chung - riêng.Mới đây, UBND TP Hà Nội cũng đã có buổi làm việc các sở, ngành, chủ đầu tư dự án khu đô thị lớn trên địa bàn về công tác quản lý, vận hành nhà chung cư. Thực tế cho thấy, sở hữu chung - riêng và mô hình ban quản trị trong quản lý điều hành nhà chung cư hiện vẫn còn nhiều khúc mắc.
Theo ông Vũ Xuân Thiện, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), nguyên nhân của nhiều vụ tranh chấp giữa chủ đầu tư và người dân xuất phát từ hợp đồng mua bán căn hộ không được làm chặt chẽ. Điển hình như trường hợp tòa nhà The Manor do Tập đoàn Bitexco làm chủ đầu tư. Người dân ở đây cho rằng, tầng hầm là sở hữu chung nên đương nhiên được sử dụng. Chủ đầu tư lại cho rằng là phần sở hữu riêng của mình nên có quyền kinh doanh để thu hồi vốn. Tranh chấp gay gắt đến mức dân phong tỏa không cho phương tiện ra vào tầng hầm khi đơn vị quản lý tòa nhà phát thông báo thu phí trông giữ xe với mức phí mà người dân cho là quá phi lý.
Có ý kiến cho rằng, ở nhiều nơi những tranh cãi về sở hữu chung - riêng đã kéo dài quá lâu, gây ảnh hưởng không nhỏ. Vì thế nên để các cơ quan chức năng hoặc kiểm toán vào cuộc, làm rõ những hạng mục đã được dùng kết toán giá bán căn hộ phải được coi là sở hữu chung của cư dân. Chính quyền địa phương cũng không thể ngoài cuộc. Diện tích nào thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng hầu hết đã được xác định một cách chi tiết trong quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nhưng người mua nhà khó tiếp cận với các văn bản này, cũng có người mua nhà nhưng không đủ hiểu biết về các quy định pháp lý để hiểu cho tỏ tường.
(Theo Kinh tế và Đô thị)