Sở Giao thông Công chính cho biết, nhằm quy hoạch lại hệ thống cây xanh trên địa bàn thành phố, Sở đang chuẩn bị lên phương án trồng và phát triển cây xanh thống nhất trên từng đoạn, tuyến phố của Hà Nội.
Sở Giao thông Công chính cho biết, nhằm quy hoạch lại hệ thống cây xanh trên địa bàn thành phố, Sở đang chuẩn bị lên phương án trồng và phát triển cây xanh thống nhất trên từng đoạn, tuyến phố của Hà Nội.
Theo đó, tại các tuyến phố đã có sẽ lựa chọn một đến hai loại cây chủ đạo tạo đặc trưng cho từng tuyến phố. Đối với các tuyến phố mới xây dựng chỉ trồng một loại cây có cùng chiều cao, đường kính thân, độ phân cành. Cây trồng mới là những cây thân thẳng, dễ trồng, rễ cọc khỏe ăn sâu vào đất để tránh đổ khi mưa bão và tán cây gọn, đẹp có tuổi thọ cao, cành nhánh không giòn dễ gẫy... Đặc biệt sẽ không trồng những cây có gai nhọn, có hoa, quả hấp dẫn ruồi muỗi.
Hiện tại Sở GTCC đã lựa chọn được 20 chủng loại cây trồng trên đường phố Hà Nội gồm: vàng anh, lát hoa, me, sữa, sao đen, nhội, phượng vĩ, cơm nguội, sưa, ban móng bò, ngọc lan, long não, lan tây, muồng vàng yến, muồng hoa đào, hoàng lan, bằng lăng, sấu.
Dự kiến việc triển khai trồng thay thế cây mới sẽ thực hiện trong năm 2007, trong đó những tuyến phố đã hình thành chủng loại cây thì cây trồng thay thế sẽ được trồng đúng chủng loại. Còn lại các tuyến phố khác sẽ trồng các loại cây tùy theo độ rộng của vỉa hè tuyến phố đó. Cụ thể, phố có hè rộng dưới 3 m trồng bằng lăng, sưa, muồng vàng yến, lát, chẹo, vỉa hè các tuyến phố rộng hơn 3 m trồng các loại cây sưa, sữa, ngọc lan, hoàng lan, long não, muồng... Trong năm nay, sẽ phải di chuyển và trồng mới 5.888 cây. Cụ thể quận Hoàn Kiếm thay 179 cây, Ba Đình 287 cây, Hai Bà Trưng 755 cây, Đống Đa 1.277 cây, Cầu Giấy 897 cây, Thanh Xuân 881 cây, Tây Hồ 520 cây, Long Biên 315 cây, Hoàng Mai 551 cây và huyện Từ Liêm 226 cây.
Theo số liệu điều tra mới nhất của Sở GTCC, hiện trên 360 tuyến phố của Hà Nội có 42.174 cây xanh bóng mát với 65 chủng loại cây. Trong đó chủ yếu là cây xà cừ 5.306 cây, muồng 5.548 cây, bằng lăng 5.438 cây, phượng 3.797 cây, sữa 3.757 cây, bàng 2.826 cây, chẹo 2.058 cây, sấu 2.209 cây.
Ngoài ra còn có rất nhiều loại cây không thuộc chủng loại cây đô thị như dâu da, vông, xoan, bông gòn, cau, bạch đàn, phi lao, sung... khoảng gần 6.000 cây. Với việc người dân tự ý trồng tùy tiện các loại cây cộng với việc chặt hạ, giết hại cây xanh đang có chiều hướng gia tăng như hiện nay thì trong tương lai Hà Nội sẽ mất dần các tuyến phố với những loài cây đặc trưng.
Cây xanh hiện trồng tùy tiện
Bà Đặng Thị Thu Nga, Phó phòng Giao thông Đô thị (Sở GTCC) cho biết, cây trồng trên các tuyến phố Hà Nội hiện nay chủ yếu là cây bóng mát để lấy bóng râm cho người đi đường với chiều cao của cây từ 8 đến 30 m. Trong đó, khu vực phố cổ nơi có phố nhỏ, vỉa hè hẹp nên việc lựa chọn trồng cây trên các tuyến này còn nhiều hạn chế, chủ yếu là cây dâu da xoan do dân tự trồng để nhanh có bóng mát. Khu phố cũ, có vỉa hè rộng nên việc trồng cây tại các tuyến phố này đã được lựa chọn kỹ và hình thành nên những tuyến phố có các loài cây đặc trưng như sấu ở phố Phan Đình Phùng, Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Sữa ở phố Nguyễn Du, Sao Đen ở Lò Đúc... Tại các khu phố mới do được hình thành trong thời gian gần đây nên việc quy hoạch các loại cây trồng trên các tuyến phố này tương đối đồng đều và cùng chủng loại.
Tuy nhiên, có một thực tế do các cây được trồng từ lâu là những loài cây gỗ lớn nên bộ rễ ngang phát triện mạnh nên đã gây hư hại cho đường phố cũng như vỉa hè. Bên cạnh đó, tại nhiều tuyến phố có các cây to mà tuổi thọ đã lên tới 50- 60 năm quá tuổi trưởng thành thường hay bị sâu bệnh rỗng thân và dễ đổ khi có mưa bão gây nguy hiểm cho người và các phương tiện tham gia giao thông. Ngoài ra, khi thay thế các cây bị chết, đơn vị chủ quản chưa chú trọng tới việc chọn loại cây cho phù hợp với các tuyến phố, cộng với tình trạng người dân tự ý trồng cây để lấy bóng mát nên đã làm cho hệ thống cây xanh trên các tuyến phố phát triển tùy tiện và lộn xộn gây mất mỹ quan đô thị. Để dẫn chứng, bà Nga đã liệt kê ra rất nhiều tuyến phố có tới vài chục loại cây khác nhau như phố Lương Định Của có 28 loại cây, Hoàng Hoa Thám 26 loại cây, Thụy Khuê 21 loại cây, Đội Cấn 19 loại cây...
Bảo vệ cây xanh trước cửa nhà
Trong cuộc họp với các ngành mới đây về quy hoạch lại hệ thống cây xanh trên địa bàn thành phố nhiều ý kiến cho rằng một tuyến phố nên có từ 2-3 loại cây để tránh đơn điệu. Bởi nếu vào mùa lá rụng, cây cả tuyến phố sẽ rụng hết lá sẽ rất xấu. Một số ý kiến còn cho rằng không trồng cây vàng anh, long não trong các khu dân cư vì hoa thì đẹp nhưng khi hoa rụng lại rất bẩn đường phố, cành cây long não giòn, dễ gẫy gây nguy hiểm cho các phương tiện giao thông khi mưa bão.
Một trong những ý kiến được rất nhiều ngành tham gia là thành phố phải có chế tài để bảo vệ cây vì mức phạt chặt hạ cây mà chỉ phạt 300.000 đồng như hiện nay là quá nhẹ. Ông Đặng Dương Bình, Sở Tài nguyên, Môi trường và Nhà đất cho rằng nên gắn trách nhiệm cây trước cửa nhà thì nhà đó phải có trách nhiệm bảo vệ và khi cây có biểu hiện gì thì phải báo cáo cơ quan có trách nhiệm. Khi phát hiện hộ dân nào giết hại cây xanh thay vì xử phạt thì bắt buộc hộ đó phải bồi thường kinh phí để trồng mới, chăm sóc cây. Thành phố nên có đề án khoán bảo vệ cây xanh mặt phố với các hộ dân như kiểu khoán bảo vệ rừng mà các tỉnh khác đã thực hiện.
(Theo KT&ĐT)