Đề xuất trên được Bộ Xây dựng đưa ra tại dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ...
Bộ Xây dựng đề xuất, Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình có một hoặc nhiều người có công với cách mạng có nhà ở bị hư hỏng, dột nát (kể cả các hộ đã được hỗ trợ theo các chính sách khác trước đây mà nay nhà ở đã bị hư hỏng, dột nát) để các hộ gia đình này xây dựng nhà ở mới hoặc sửa chữa nhà ở hiện có.
Đề xuất trên được Bộ Xây dựng đưa ra tại dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở.
Theo Dự thảo, việc hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở được thực hiện theo phương châm Nhà nước hỗ trợ và khuyến khích cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tham gia đóng góp để xây dựng nhà ở bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng và phù hợp với điều kiện cụ thể của từng hộ gia đình; kết hợp, lồng ghép với các chương trình đầu tư, hỗ trợ khác của Trung ương và địa phương để phát huy hiệu quả chính sách.
Nhà xây mới phải đảm bảo tiêu chuẩn 3 cứng
Cũng theo Dự thảo, việc hỗ trợ người có công với cách mạng xây dựng mới nhà ở hoặc sửa chữa nhà ở phải bảo đảm các yêu cầu như: Nếu nhà ở phải phá dỡ để xây dựng lại thì nhà ở mới phải bảo đảm tiêu chuẩn 3 cứng (nền cứng, khung-tường cứng, mái cứng), có diện tích sử dụng tối thiểu là 30m2 (nếu là những hộ độc thân thì có thể xây dựng nhà ở có diện tích sử dụng nhỏ hơn 30m2 nhưng không thấp hơn 24m2), có tuổi thọ từ 10 năm trở lên.
Đối với trường hợp nhà ở phải sửa chữa khung, tường và thay mới mái nhà ở thì sau khi sửa chữa phải bảo đảm tiêu chuẩn 2 cứng (khung-tường cứng, mái cứng), có tuổi thọ từ 10 năm trở lên, nhưng không yêu cầu phải đúng tiêu chuẩn về diện tích sử dụng như trên.
Đối tượng được hỗ trợ
Theo Dự thảo, đối tượng được hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Quyết định 22/2013/QĐ-TTg phải đáp ứng các điều kiện sau: Là người có tên trong danh sách người có công với cách mạng do Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh quản lý tại thời điểm Quyết định 22/2013/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành (từ ngày 15/6/2013).
Người có công phải đang sinh sống và có đăng ký hộ khẩu thường trú trước ngày 15/6/2013 tại nhà ở mà nhà ở đó có một trong 2 điều kiện sau: 1- Nhà ở bị hư hỏng nặng phải phá đi xây dựng lại nhà ở mới; 2- Nhà ở bị hư hỏng, dột nát cần phải sửa chữa phần khung-tường và thay mới mái nhà.
Theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg, Ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ 40 triệu đồng/hộ đối với trường hợp phải phá dỡ để xây mới nhà ở; hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ đối với trường hợp phải sửa chữa khung, tường và thay mới mái nhà ở.
Dự thảo nêu rõ, các hộ gia đình sau khi nhận được tạm ứng kinh phí hỗ trợ nhà ở theo quy định thì tự tổ chức xây dựng nhà ở. Trường hợp hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn (già cả, neo đơn, khuyết tật...) không có khả năng tự xây dựng nhà ở thì UBND cấp xã có trách nhiệm tổ chức xây dựng nhà ở cho các hộ gia đình này.
Đồng thời, UBND cấp xã có trách nhiệm theo dõi, giám sát và giúp đỡ các hộ gia đình trong quá trình xây dựng, sửa chữa nhà ở; vận động các tổ chức, đoàn thể như Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh giúp đỡ các hộ gia đình xây dựng nhà ở, tận dụng cao nhất khả năng huy động nguồn lực từ cộng đồng và hộ gia đình về nhân công, khai thác vật liệu tại chỗ như cát, đá, sỏi, gỗ... để giảm giá thành xây dựng.
Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên website của Bộ.
Theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg, trong năm 2013, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải thực hiện cơ bản xong việc hỗ trợ về nhà ở cho hộ gia đình người có công với cách mạng theo đúng quy định đối với khoảng 71.000 hộ.
Trong năm 2014, các địa phương tiếp tục thực hiện hỗ trợ theo quy định đối với các hộ thuộc diện được hỗ trợ nhưng các địa phương mới rà soát, thống kê, báo cáo năm 2013.
|
Theo Chinhphu.vn