Bỏ bạc tỉ ra để mua một căn chung cư cao cấp, song, chưa kịp vui với việc dọn vào ở trong căn hộ mới, nhiều người dân đã phải phiền lòng khi gặp cảnh… ở trọ trong chính nhà mình.
Bỏ bạc tỉ ra để mua một căn chung cư cao cấp, song, chưa kịp vui với việc dọn vào ở trong căn hộ mới, nhiều người dân đã phải phiền lòng khi gặp cảnh… ở trọ trong chính nhà mình.
Hứa và thất hứa!
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp (chủ đầu tư) cho xây dựng những chung cư cao hàng chục tầng, hầu như khi quảng cáo, chủ đầu tư “vẽ” hàng loạt tiện ích như: công viên, trường học, siêu thị… nhưng khi người dân về ở, thì không thấy đâu. Một số người dân sống tại chung cư Phú Hoàng Anh phàn nàn, căn hộ của họ không đúng như thiết kế và hợp đồng ký với chủ đầu tư. Điển hình như gỗ dùng để làm cửa, tủ ốp tường… không phải là gỗ tự nhiên, mà là gỗ công nghiệp. Ông Đinh Văn Hồng, chủ căn hộ B04–02, chung cư Phú Hoàng Anh (huyện Nhà Bè, TP.HCM) than phiền, theo luật thì chủ đầu tư phải lập một ban quản lý toà nhà, trong đó có đại diện của người dân, nhưng đằng này, việc quản lý toà nhà lại do công ty con của chủ đầu tư đứng ra đảm nhiệm.
Tại chung cư Gia Phú, quận Bình Tân, trước đây, trong quá trình xây dựng chung cư, một chiếc cầu tạm đã “mọc lên” làm lối ra vào chung cư. Khách mua căn hộ cứ đinh ninh đây là cây cầu có trong quy hoạch được duyệt, nhưng thực tế đây chỉ là cây cầu tạm, chính quyền địa phương buộc phá bỏ. Chủ đầu tư hứa sẽ xây dựng đường thay thế để người dân chung cư thuận tiện đi lại, tuy nhiên, giờ đây cầu tạm dẫn vào toà nhà bị tháo dỡ, đường thay thế chưa được trải nhựa và không có điện.
Bức xúc với khoản phí
Sáng 30.7 vừa qua, nhiều hộ dân tại cao ốc Cantavil Hoàn Cầu, số 600A Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh đã khiếu nại với chủ đầu tư là công ty liên doanh phát triển nhà Daewon Hoàn Cầu về các khoản phí quá cao đang được áp dụng tại toà nhà này. Theo các hộ dân, ngoài việc phải đóng 95% số tiền cho mỗi căn hộ với mức giá 2.400 USD/m2 vào thời điểm giữa năm 2009, chủ đầu tư mới giao nhà; nhưng để nhận được căn hộ, cư dân còn phải nộp khoản kinh phí tương đương 10 USD/m2 cho toàn bộ diện tích căn hộ vào quỹ bảo trì cho công ty Daewon Hoàn Cầu, cùng khoản phí quản lý hàng tháng khoảng 1 USD/m2. Đến thời điểm này, toàn bộ số kinh phí này vẫn chưa được giao cho ban quản trị toà nhà theo quy định của luật Nhà ở 2005 đã có hiệu lực từ 1.7.2006. Thay vào đó, lại được chủ đầu tư gửi vào tài khoản riêng của mình. Các hộ dân đã phản ứng mạnh mẽ khi mới đây chủ đầu tư thông báo sẽ thu mức phí bảo trì mới tương đương 2% giá bán căn hộ trước thuế.
Bao giờ người dân hết chịu thiệt?
Theo thông tư số 01 ban hành tháng 2.2009, bộ Xây dựng đã quy định: Hợp đồng mua bán căn hộ chung cư phải nêu phần diện tích sử dụng chung, diện tích sở hữu riêng của người mua; mức phí quản lý vận hành chung cư dự kiến sẽ thu của người dân; nguyên tắc điều chỉnh tăng mức phí đóng góp từng giai đoạn, nhưng không vượt quá mức trần do các tỉnh, thành quy định. Tại TP.HCM, sở Xây dựng đã nhiều lần có dự thảo về mức trần tối đa phí dịch vụ chung cư, tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có quy định chính thức nào được ban hành.
Rõ ràng, tại các chung cư được cho là cao cấp hiện nay, hàng loạt tranh chấp về quyền sở hữu chung, riêng; về mức phí quản lý đã phát sinh và phần thiệt thòi bao giờ cũng thuộc về những người dân đang ở trong đó.
Thu phí không hỏi ý kiến dân
Tại dự án Hùng Vương Plaza, các hộ dân bức xúc về việc đơn vị quản lý toà nhà là công ty Hùng Vương muốn thu tiền bao nhiêu là thu không bao giờ hỏi ý kiến cư dân, những người bỏ tiền ra thuê họ. Theo các hộ dân ở chung cư Hùng Vương Plaza, trong hợp đồng, chủ đầu tư hứa là có hầm để xe và sân thượng, nhưng hiện nay, chủ đầu tư đã xén một phần sân thượng tại bốn block của khu chung cư làm bốn căn hộ penthouse để kinh doanh. Do hầm để xe quá nhỏ, thường xuyên quá tải, nên người dân tại đây phải đem gửi xe ở ngoài. |
(Theo SGTT)