Loài hoa này được một đạo hữu phát hiện trên khung cửa sắt tại trai đường chùa Long Hoa ở thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát, Bình Định với tổng cộng 18 cây
Tiếp theo sau Phú Yên, Quảng Nam, Hải Phòng, hoa Ưu Đàm mới đây lại xuất hiện tại tỉnh Bình Định.
Loài hoa này được một đạo hữu phát hiện trên khung cửa sắt tại trai đường chùa Long Hoa ở thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát, Bình Định với tổng cộng 18 cây có chiều cao khoảng 80mm, hoa có hình chuông, thân trong suốt và mảnh như sợi. Hầu hết các hoa có màu trắng, chỉ một cây có màu hồng ngọc.
Trước đó, vào khoảng đầu tháng 6, loài hoa này liên tiếp khai nở. Lần đầu tiên, nó được phát hiện ở vườn nhà ông Lê Văn Mậu ở khu phố Ninh Tịnh 2, phường 9, thành phố Tuy Hòa (Phú Yên). Tiếp đến, nó được phát hiện trên hàng lưới sắt B40 nhà anh Huỳnh Vinh Quang (30 tuổi, trú tại số nhà 312, đường Trưng Nữ Vương, thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam) với 27 cọng hoa nhỏ li ti mọc ngược xuống, trên đầu hoa nhú ra màu trắng. Loài hoa kỳ lạ này cũng được phát hiện tại Quán Toan, Hải Phòng, trong ngôi nhà của 1 học viên Pháp Luân Công (hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, một môn tu luyện thuộc Phật Gia độc đáo mới xuất hiện từ năm 1992) và tại Đền Tràng Kênh của thành phố này.
Mặc dù một số chuyên gia cho rằng đây có thể là trứng của một loại côn trùng có tên gọi là green lacewing (Chrysopa) tuy nhiên, sự trùng hợp ngẫu nhiên về hình dáng, màu sắc, đặc biệt hơn là những vị trí khai nở của nó (đa số là tại đền, chùa, nơi tu luyện của các nhà sư…) và trên những chất liệu đặc biệt như sắt, đồng… khiến người ta không khỏi chắc chắn nó là loài hoa được nhắc đến trong kinh Phật với ý nghĩa là loài hoa may mắn linh thiêng.
(Theo Báo Đất Việt)