Thời xưa, các cửa ô chính là cửa ra vào kinh thành, đêm có tuần phiên canh gác, kiểm soát. Nay, hầu hết cửa ô Hà Nội đã thành phố xá, chỉ ô Quan Chưởng giữ được hình dáng cũ.
Thời xưa, các cửa ô chính là cửa ra vào kinh thành, đêm có tuần phiên canh gác, kiểm soát. Nay, hầu hết cửa ô Hà Nội đã thành phố xá, chỉ ô Quan Chưởng giữ được hình dáng cũ.
Theo sách Bắc thành dư địa chí soạn hồi đầu thế kỷ 19, Hà Nội có 21 cửa ô. Bản đồ Tòa thành Hà Nội (thành đất), do hai ông Lê Đức Lộc và Nguyễn Công Tiến dựng năm 1831, có ghi vị trí và tên 16 cửa ô. Bản đồ Tỉnh thành Hà Nội vẽ năm 1866 đời Tự Đức chỉ còn 15 cửa ô, không còn ô Nhân Hòa.
Thời xưa, các cửa ô chính là cửa ra vào kinh thành. Ban đêm, tại đây đều có tuần phiên canh gác, kiểm soát sự ra vào. Phần lớn cửa ô đều thông ra sông Hồng và sông Tô Lịch: ở phía tây có 2 cửa, phía nam có 3 cửa, ra sông Hồng có 11 cửa.
Lý do là thời đó đường giao thông nối Thăng Long với các vùng khác chủ yếu là đường sông, dọc sông Hồng có nhiều bến, phố xá đông đúc, nhiều hiệu buôn lớn của người Việt và người nước ngoài tập trung buôn bán.
Thời hiện đại, nhiều ô cửa Hà Nội đã biến thành phố xá. 5 cửa ô chính gồm: Ô Cầu Dền, ô chợ Dừa, ô Cầu Giấy, ô Đống Mác, chỉ còn ô Quan Chưởng (đầu phố Hàng Chiếu) vẫn giữ được hình dáng cũ, đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hoá. Ngày nay, dân chúng vẫn qua lại buôn bán tấp nập, tạo cho phố phường nét cổ kính nên thơ.
Ô Yên Ninh (tức ô cầu Dền) ở ngã tư phố Huế - Đại Cồ Việt, còn ô Thịnh Quang (tức ô chợ Dừa) bắt đầu từ khu xã Đàn, xã Tắc - Phố Nguyễn Lương Bằng (Phố Nam Đồng cũ), Đê La Thành, Phố Tôn Đức Thắng (phố Hàng Bột cũ), Phố Khâm Thiên, kết thúc là Đê La Thành, nay chỉ còn dấu tích. Nhà cửa, đường xá mọc san sát đã che hết một ô chợ Dừa nổi tiếng và hoành tráng.
Ô Đống Mác nằm ở cuối phố Lò Đúc, đi về phía đường Lương Yên, gần giáp sông Hồng... ở vào phía đông nam Hà Nội. Cửa ô này còn tên là Thanh Lãng, vào nửa cuối thế kỷ thứ 19, lại đổi là cửa ô Lãng Yên... Xa hơn nữa, thời chúa Trịnh Sâm, (thế kỷ 18) có tên là ô Ông Mạc. Sang thế kỷ 20, dân quen gọi là ô Đống Mác. Cửa ô Đống Mác đã mất hết hình tích cũ. Giờ qua đấy chỉ thấy phố, nhà mới chi chít. Cửa ô và thành đất đều đã xa từ lâu. Nhà cửa, hàng quán tấp nập đâu còn xứ đồng, cửa ô, trạm gác của lính triều đình ngày xưa.
Ô Cầu Giấy, nơi chứng kiến sĩ quan Françis Garnier thất thủ (năm 1873) nay cũng không còn một vết tích. Việc đô thị hóa làm cho những cánh đồng xanh, những bóng cây rợp đường chỉ còn là ký ức. Ô Cầu Giấy hiện nay, nằm ở vị trí chiếc Cầu Giấy bắc qua sông Tô, án ngữ các ngả đường từ Láng, Bưởi, Kim Mã.
Giờ, Hà Nội thành nơi “tấc đất, tấc vàng” cộng với đó là quá trình đô thị hoá, khiến các cửa ô chỉ còn trong hoài niệm.
(Theo Đất Việt)