Từ ngày 13 đến 19-9, đúng vào dịp Tết Trung thu, công chúng Thủ đô sẽ có
dịp sống lại không khí của Trung thu truyền thống tại ba điểm di tích
trong Khu phố cổ
Từ ngày 13 đến 19-9, đúng vào dịp Tết Trung thu, công chúng Thủ đô sẽ có dịp sống lại không khí của Trung thu truyền thống tại ba điểm di tích trong Khu phố cổ (quận Hoàn Kiếm - Hà Nội), với nhiều chương trình giới thiệu, hướng dẫn làm đồ chơi dân gian đặc sắc.
Những loại đồ chơi truyền thống như: đèn ông sao, ông tiến sĩ giấy, các con giống hay mặt nạ bằng giấy bồi... một thời từng là những đồ chơi rất thân thuộc với thiếu nhi Việt Nam mỗi dịp đón Trung thu. Nhưng những năm gần đây, những đồ chơi ấy đang bị lấn át bởi đồ chơi nước ngoài. Vì vậy, Ban Quản lý Phố cổ muốn giới thiệu các loại đồ chơi truyền thống, hướng dẫn cách làm đến các bậc phụ huynh và các em nhỏ.
Tại đình Đồng Lạc (38 Hàng Đào), chị Nguyễn Thị Tuyến, một người có kinh nghiệm 40 năm trong nghề làm đồ chơi Trung thu ở thôn Hậu Ái (xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội) hướng dẫn cách làm đồ chơi truyền thống như ông tiến sĩ, ông đánh gậy, đèn ông sao, đèn con thỏ, con cá.
Trong khi đó, nhà điêu khắc Đinh Công Đạt giới thiệu, hướng dẫn nghệ thuật làm các con giống bằng giấy bồi tại đình Kim Ngân (42 Hàng Bạc).
Không gian đình Kim Ngân còn là giới thiệu về đồ chơi tiện con quay của những thợ thủ công phố Tô Tịch, về nghệ thuật nặn tò he của những người thợ đến từ làng Xuân La (xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội). Cũng tại đây, khách tham quan sẽ được giới thiệu về cách bài trí không gian Tết Trung thu truyền thống xưa kia. Ngôi nhà Di sản (87 phố Mã Mây) là nơi giới thiệu tranh Đông Hồ về đề tài thiếu nhi và giới thiệu cách chơi trò chơi Trí Uẩn (trò chơi ghép hình từ bảy miếng gỗ rất đặc sắc của Việt Nam).
Theo Ban Quản lý Phố cổ, việc giới thiệu, hướng dẫn làm đồ chơi truyền thống nhằm giúp mọi người hiểu hơn về ý nghĩa, giá trị của những loại đồ chơi này, qua đó, các em nhỏ gắn bó hơn với truyền thống dân tộc.
Theo Nhandan