Theo thống kê của Bộ Xây dựng, đến thời điểm này, cả nước có 88 dự án nhà ở sinh viên được khởi động với tổng vốn trái phiếu Chính phủ được bố trí là 3.500 tỷ đồng.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, đến thời điểm này, cả nước có 88 dự án nhà ở sinh viên được khởi động với tổng vốn trái phiếu Chính phủ được bố trí là 3.500 tỷ đồng.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt danh mục dự án phát triển nhà ở sinh viên tại Hà Nội và Tp.HCM đến năm 2011 được hưởng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.
Theo đó, từ nay đến năm 2011, sẽ có thêm 15 dự án nhà ở sinh viên tại Hà Nội và Tp.HCM được đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho 127.619 sinh viên.
Cụ thể, thành phố Hà Nội được phân bổ 625 tỷ đồng để triển khai 10 dự án, đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho 52.419 sinh viên.
Như vậy, ngoài 4 dự án đã được phê duyệt trong năm 2009 (cụm trường tại khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp, cụm trường tại Mỹ Đình - Từ Liêm, dự án Đại học Nông nghiệp và dự án đại học Lâm nghiệp), Hà Nội có thêm 6 dự án nhà ở sinh viên khác gồm: dự án Đại học Ngoại thương, Cao đẳng Công nghệ Việt Hùng cơ sở 2, Học viện Chính trị hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Thủy lợi và Đại học Điện lực.
Tp.HCM sẽ nhận được 800 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ, phân bổ cho 5 dự án, đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho 75.200 sinh viên tại các trường: Đại học Quốc gia Tp.HCM, Đại học Sư phạm kỹ thuật Tp.HCM, Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Giao thông vận tải cơ sở 2 và Đại học Văn hóa Tp.HCM cơ sở 2.
Tất cả 15 dự án trên đều đã được triển khai trong năm 2009, trong đó 12/15 dự án sẽ được hoàn thành trong năm nay, còn lại 3 dự án cụm trường tại Pháp Vân, Mỹ Đình (Hà Nội) và ký túc xá cụm trường tại đại học Quốc gia Tp.HCM sẽ được hoàn thành trong năm 2011.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, đến thời điểm này, cả nước có 88 dự án nhà ở sinh viên được khởi động với tổng vốn trái phiếu Chính phủ được bố trí là 3.500 tỷ đồng.
Bộ này cũng cho biết, hầu hết dự án phát triển nhà ở cho sinh viên đã được khởi công, đảm bảo tiến độ thi công, không ít dự án đã hoàn thành xây dựng phần móng, đặc biệt một số dự án triển khai sớm đã xây dựng lên tầng 2 - 3 của công trình (tỉnh Thái Nguyên, Bộ Quốc phòng…). Nhiều địa phương đang tập trung chỉ đạo, phấn đấu hoàn thành các dự án trước tiến độ đề ra.
Về tiến độ giải ngân, đến ngày 10/12/2009, các dự án đã giải ngân được tổng số vốn là 1.255 tỷ đồng, đạt 36% số vốn được phân bổ. Trong đó Quảng Nam, Hưng Yên, Ninh Bình đã giải ngân được 100% số vốn, nhiều địa phương đã thực hiện giải ngân trên 50% như Thái Nguyên (76%),Thừa Thiên Huế (94%), Cần Thơ (53%)...
Đa số các dự án được bố trí vốn phải hoàn thành trong 2 năm 2010 - 2011, trong số 88 dự án có 72 dự án phải hoàn thành trong năm 2010 và 16 dự án sẽ hoàn thành chậm nhất vào quý 3 năm 2011.
Dự kiến tới năm 2015, trên cả nước sẽ có khoảng 4,3 triệu học sinh, sinh viên với tỷ lệ có nhu cầu chỗ ở chiếm tới 70% (tương đương 3 triệu học sinh, sinh viên).
Trong khi đó, nếu tính cả kế hoạch năm 2009 - 2010 được thực hiện cộng với nguồn cung của ký túc xá hiện có thì mới chỉ đáp ứng được chỗ ở cho khoảng 1 triệu học sinh, sinh viên.
Như vậy, đến năm 2015 sẽ còn khoảng 2 triệu học sinh, sinh viên có nhu cầu chỗ ở trong ký túc xá. Điều đó đồng nghĩa với việc trong thời gian 5 năm tới (2011 - 2015), cả nước cần thêm hơn 4,8 triệu m2 sàn nhà ở cho sinh viên (4m2 sàn sử dụng/1 sinh viên) với tổng mức đầu tư khoảng 30.000 tỷ đồng, tương ứng mỗi năm cần khoảng 6.000 tỷ đồng.
(Theo TBKTVN)