Vành đai 4 có vận tốc thiết kế 100 km mỗi giờ, đạt tiêu chuẩn đường cao tốc, với 6 làn xe có đường gom 2 bên đối với những đoạn đi qua khu dân cư, khu đô thị và hành lang để bố trí cây xanh.
Vành đai 4 có vận tốc thiết kế 100 km mỗi giờ, đạt tiêu chuẩn đường cao tốc, với 6 làn xe có đường gom 2 bên đối với những đoạn đi qua khu dân cư, khu đô thị và hành lang để bố trí cây xanh.
Theo quy hoạch, tuyến đường đi qua địa giới hành chính của 16 huyện thuộc 4 tỉnh, thành phố với diện tích chiếm đất 1.400 ha, trong đó Hà Nội là 840 ha, Hưng Yên 230 ha, Bắc Ninh 260 ha, Bắc Giang 95 ha.
Tuyến đường đi qua các huyện Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín và quận Hà Đông (Hà Nội); qua các huyện Văn Giang, Yên Mỹ, Văn Lâm (thuộc tỉnh Hưng Yên); các huyện Thuận Thành, Quế Võ, Tiên Du, Yên Phong và thành phố Bắc Ninh (thuộc tỉnh Bắc Ninh); huyện Hiệp Hòa (tỉnh Bắc Giang).
Vành đai 4 bắt đầu tại km3+696 trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đi theo hướng tây nam vượt sông Hồng tại cầu Hồng Hà, giao cắt với đại lộ Thăng Long, giao đường Pháp Vân - Cầu Giẽ và vượt sông Hồng tại cầu Mễ Sở (cách phà Mễ Sở một km về thượng lưu).
Sau đó, đường đi về phía đông nam giao quốc lộ 5, quốc lộ 38, vượt sông Đuống và kết nối với đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long. Tuyến đi trùng với đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long rồi khép kín tuyến vành đai 4.
Chiều dài vành đai 4 là 136 km, trong đó đoạn làm mới là 98 km, đoạn trùng với đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long, Nội Bài - Lào Cai dài 38 km và có tuyến nối vành đai 4 với đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên khoảng 36 km.
Bộ Giao thông Vận tải cũng đã quy hoạch 11 nút giao thông khác mức, liên thông giữa vành đai 4 và các đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, đại lộ Thăng Long, Pháp Vân - Cầu Giẽ, Hà Nội - Thái Nguyên...
Ngoài ra, trên tuyến này cần xây dựng 3 cầu vượt sông. Đó là cầu Hồng Hà vượt sông Hồng từ huyện Mê Linh sang huyện Đan Phương, cầu Mễ Sở tại khu vực gần phà Mễ Sở hiện tại và cầu sông Đuống, cách cầu Hồ hiện tại khoảng một km. Ngoài ra, trong phạm vi dự án còn có 12 cầu lớn và 12 cầu trung vượt đường bộ.
Theo tính toán, tổng vốn xây dựng 71.950 tỷ đồng, trong đó huy động từ nhiều nguồn như ngân sách nhà nước, địa phương, khai thác quỹ đất và vốn tư nhân. Dự án sẽ được phân kỳ đầu tư, xây dựng trước những đoạn thuộc phạm vi Hà Nội để hoàn thành trước năm 2015, và hoàn thành dự án đến năm 2020.
Theo đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải, quy hoạch vành đai 4 đảm bảo liên kết chặt chẽ với tuyến đường bộ cao tốc, các quốc lộ hướng tâm đã và đang triển khai để phát huy hiệu quả các tuyến đường này, góp phần giảm tình trạng ùn tắc giao thông nội đô Hà Nội.
(Theo Vnexpress)