Vừa qua, Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA) đã có văn bản đề xuất tiếp tục cho phép các tổ chức tín dụng được sử dụng tỷ lệ tối đa 45% của nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn trong năm 2019.
Khoản 17, Điều 1, Thông tư 19/2017/TT-NHNN (bổ sung, sửa đổi Điều 17, Thông tư 36/2014/TT-NHNN) nêu rõ, từ ngày 1/1/2019, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được sử dụng tối đa 40% nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn. Hệ số rủi ro của các khoản vay để kinh doanh bất động sản là 200%.
|
Theo đề xuất của HoREA, các tổ chức tín dụng được sử dụng tỷ lệ tối đa 45% của nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn. |
Tuy nhiên, theo đề xuất của HoREA, các tổ chức tín dụng được sử dụng tỷ lệ tối đa 45% của nguồn vốn ngắn hạn, để cho vay trung hạn và dài hạn trong năm tới. Theo Thông tư 19/2017/TT-NHNN, tỷ lệ 45% hiện đang được áp dụng trong năm 2018.
Hiệp hội cho rằng, việc siết tỷ lệ từ 45% về 40% kể từ ngày 1/1/2019 là chưa cần thiết, chưa phù hợp với thực tiễn cũng như chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển ổn định của thị trường địa ốc.
Theo HoREA, trong 8 tháng đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 9%, bằng hơn một nửa so với chỉ tiêu 17% của cả năm 2018. Đáng chú ý, tăng trưởng tín dụng bất động sản rất thấp, đạt 4,55% so với cùng kỳ năm 2017. Trong 3 năm trở lại đây, mức tăng này là thấp nhất.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Chỉ thị 04/CT-NHNN ngày 2/8/2018, chủ trương không xem xét, điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (ngoại trừ trường hợp đặc biệt); kiểm soát chặt chẽ tín dụng tiêu dùng, đặc biệt là tín dụng tiêu dùng liên quan tới nhà đất; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, BOT, BT giao thông. Thế nên, các ngân hàng khó còn "room" tín dụng để cho vay bất động sản.