Một nhóm cư dân mới đây đã kiện Công ty Keangnam ra tòa vì diện tích thực tế của căn hộ tại Keangnam không đúng như thỏa thuận trong hợp đồng.
Một nhóm cư dân mới đây đã kiện Công ty Keangnam ra tòa vì diện tích thực tế của căn hộ tại Keangnam không đúng như thỏa thuận trong hợp đồng.
Đơn khởi kiện của một nhóm cư dân đang sinh sống tại chung cư cao cấp Keangnam đã được Tòa án Nhân dân huyện Từ Liêm thụ lý từ ngày 16/7. Nội dung của đơn kiện đề nghị tuyên vô hiệu Hợp đồng bán nhà thuộc công trình Tổ hợp khách sạn – Trung tâm thương mại – Văn phòng và Căn hộ cao cấp tại lô E6 Khu đô thị mới Cầu Giấy, đường Phạm Hùng thuộc địa phận huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội do Công ty TNHH một thành viên Keangnam Vina làm chủ đầu tư.
Một trong những lý do để những hộ dân này kiện Keangnam ra tòa là diện tích thực tế của căn hộ không đúng như thỏa thuận trong hợp đồng.
Cụ thể, hợp đồng mua bán căn hộ của Keangnam ghi rõ phần diện tích căn hộ và cách đo tính từ tim tường chung đến tim tường bao ngoài của căn hộ. Diện tích ghi trong hợp đồng này được người mua hiểu rằng đây là diện tích thuộc sở hữu riêng của người mua và đã được thanh toán với mức giá xấp xỉ 3.000 USD/m2.
Chị Lê Xuân Hoa, một cư dân trong nhóm tham gia vụ kiện cho biết, căn hộ của chị ở tầng 13A, loại 126,02 m2. Khi mới nhận nhà, nghi ngờ diện tích thực tế của căn hộ, chị Hoa đã đề nghị Keangnam cùng thuê một đơn vị địa chính độc lập đo lại căn hộ nhưng phía Keangnam không đồng ý. Do vậy, chị Hoa đã thuê một đơn vị địa chính chuyên nghiệp có chức năng đo đạc đến kiểm tra lại diện tích căn hộ. Tuy nhiên, khi đo theo đúng cách của Keangnam tức là đã bao gồm cả 15 – 16 m2 diện tích sở hữu chung (hành lang, cột, kèo chịu lực…) thì căn hộ của chị Hoa vẫn thiếu 3m2 so với con số 126,02m2
Tương tự, căn hộ của chị Lê Minh Thảo cũng bị hụt mất 3 m2 theo cách đo quy định trong hợp đồng, căn hộ. Nhưng điều bức xúc nhất là chị Thảo còn phát hiện ra diện tích của toàn bộ các cột bê tông chịu lực của tòa nhà 48 tầng và các hộp kỹ thuật thuộc phần sở hữu chung của cư dân đều được Keangnam tính nằm trong diện tích riêng của căn hộ.
Trước khi kiện chủ đầu tư ra tòa , tại Keangnam liên tục xảy ra tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư.
Như vậy, với căn hộ tầng 35 diện tích theo hợp đồng là 126,02 m2 nhưng khi đo thực tế sau khi nhận nhà chỉ có 123,7 m2 và trong đó đã bao gồm cả diện tích các cột chịu lực và hộp kỹ thuật, tường chung thuộc phần sở hữu chung là 13,0 m2.
Với những chứng cứ trong tay, chị Thảo cho rằng cư dân chắc chắn sẽ thắng trong vụ kiện với Keangnam. :“Keangnam đã soạn thảo nội dung Hợp đồng mua bán căn hộ cố ý gây hiểu nhầm về diện tích căn hộ cho người mua. Căn hộ của tôi đã bị thiếu hụt đến 16 m2 sử dụng so với hợp đồng mua bán”, chị Thảo nói.
Loại căn hộ 206,95 m2 cũng bị thiếu hụt diện tích đáng kể. Chị Quyên, một cư dân tham gia vụ kiện đang sở hữu loại căn hộ này cho hay, thực tế sau khi nhận nhà, diện tích đo được tại căn hộ của chị chỉ có 197,6 m2 trong đó đã bao gồm phần diện tích sở hữu chung là các cột chịu lực và hộp kỹ thuật lên tới 16m2. Diện tích thực tế sử dụng của căn hộ chỉ còn vẻn vẹn 181 m2.
Được biết, hiện số người tham gia vụ kiện khoảng 12 cư dân. Nhận định về vụ kiện này, Luật sư Bùi Quang Hưng, Văn phòng Luật sư Bùi Quang Hưng và Cộng sự phân tích về vụ việc: “Điều 3 Thông tư 01/2009/TT-BXD quy định về Hợp đồng mua bán căn hộ nhà chung cư phải đảm bảo một số nội dung cơ bản, trong đó có phần sở hữu chung và sở hữu riêng. Hợp đồng phải nêu đầy đủ phần diện tích riêng của người mua và phần diện tích thuộc sở hữu chung của nhà chung cư. Như vậy hợp đồng bán nhà của Keangnam đã loại bỏ hoàn toàn những quy định này và chỉ ghi diện tích căn hộ một cách mập mờ gây nhầm lẫn cho khách hàng".
Theo luật sư Hưng, sự mập mờ này có thể xác định là hành vi cố ý gây hiểu sai cho người mua khi bản hợp đồng không hề có các bản vẽ kỹ thuật theo đúng quy định, ví dụ như các bản vẽ mặt bằng xây dựng của nhà chung cư, bản vẽ mặt bằng của tầng nhà có căn hộ, bản vẽ mặt bằng của căn hộ có ghi rõ kích thước theo quy định tại tiết C điểm 2.1 khoản 2 Điều 1 Thông tư 01/2009/TT-BXD. Thay vào đó, kèm theo hợp đồng chỉ là một bản vẽ mô tả về nội thất căn hộ nhỏ bằng 1/4 tờ giấy khổ A4 không ghi kích thước căn hộ. Chính vì thế, người mua nhà không thể kiểm tra, cũng chẳng thể mường tượng cụ thể về diện tích thực tế của căn hộ mà mặc nhiên cho rằng diện tích căn hộ ghi trong hợp đồng thuộc về sở hữu riêng.
Sau khi Tòa án Nhân dân huyện Từ Liêm thụ lý đơn kiện của các hộ dân từ ngày 16/7 đã yêu cầu phía Keangnam cung cấp lời khai nhưng đơn vị này liên tục xin hoãn. Tuy nhiên, theo quy định, đến hết thời hạn cho phép, nếu chủ đầu không đưa ra các chứng cứ, Tòa án có thể vẫn tiến hành xét xử dựa trên các tài liệu và dẫn chứng do các hộ dân cung cấp.
(Theo Đất Việt)