Khoảng hai tháng trước khi Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2012 diễn ra, các khách sạn đều thông báo đã đầy chỗ và “cháy” phòng, nhất là những nơi có vị trí “đắc địa”.
Khoảng hai tháng trước khi Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2012 (DIFC 2012) diễn ra, các khách sạn (KS) đều thông báo đã đầy chỗ và “cháy” phòng, nhất là những nơi có vị trí “đắc địa”. Vì thế họ vô tư tăng giá gấp đôi thậm chí gấp 3 lần, dù đã có quy định chỉ được phép tăng không quá 30%. Tuy nhiên, nếu chịu đặt giá cao hơn theo sức “nóng” của cơn sốt, nhiều KS chắc chắn sẽ thông báo vẫn còn phòng.
Giá tăng 2 - 3 lần
Trong vai người khách đi hỏi phòng tại một số khách sạn ven biển dọc đường Phạm Văn Đồng (quận Sơn Trà, Đà Nẵng), PV đều nhận được những cái lắc đầu “hết phòng” cùng với những những ánh mắt có vẻ dò xét, nghi ngờ của các nhân viên lễ tân. Có một vài khách sạn nói còn có 1-2 phòng thì đều ở dạng VIP, và tất nhiên giá phòng VIP cũng đắt tới mức “cắt cổ”.
Cụ thể tại khách sạn (KS) G., KS B.V, KS A., KS S..., mức giá được nhân viên lễ tân đưa ra từ 1,5 triệu đồng đến 3,5 triệu đồng, tùy theo phòng đơn hay đôi, tùy theo hạng phòng.
Tại G., giá phòng đơn trong dịp từ ngày 28 đến ngày 1-5 được nhân viên lễ tân chào giá là 1,8 triệu đồng/ngày đêm; phòng đôi 2 triệu đồng/ngày đêm, trong khi đó, bảng giá niêm yết đặt tại quầy của lễ tân chỉ dao động từ 754 – 1,1 triệu đồng/phòng (giá này là đã tăng khoảng 30% so với ngày thường).
Tương tự tại KS B.V, bảng giá niêm yết tại quầy: phòng đơn 580.000 đồng/ngày đêm, phòng đôi 750.000 đồng/ngày đêm, nhưng khi chúng tôi hỏi giá, quản lý ở đây cho biết nếu đặt vào 3 ngày lễ từ 28 đến 30-4, giá 1,8 triệu/phòng. Phòng VIP của KS này giá 3,5 triệu/phòng (trong khi đó, bảng giá niêm yết là 1,3 triệu đồng) và cũng chỉ còn lại 2 phòng song quản ký cũng tỏ thái độ thờ ơ, tỏ vẻ không mặn mà cho lắm.
Một số KS khi mới hỏi đều nói hết phòng, nhưng khi PV tỏ ra quyết tâm đặt phòng, rồi khi cầm điện thoại gọi cho “đối tác” bên kia thông báo về tình trạng phòng ốc thì các nhân viên lễ tân này lại vội vàng xin lại số điện thoại rồi hẹn nếu bố trí được sẽ gọi lại ngay.
“Sốt” thật hay ảo?
Tuy nhiên, thực tế thì chưa phải là tất cả các KS đều “cháy” phòng trong dịp này, khi một chủ khách sạn trên đường Trần Hưng Đạo “bật mí”: Kể cả nhiều KS còn phòng cũng không dám nhận đặt trong thời điểm này vì sợ… bị những người của cơ quan chức năng đóng giả là khách để đi kiểm tra (!?).
Bà chủ KS này sau đó còn cho biết, nếu giờ muốn đặt phòng thì chỉ còn cách phải đưa đủ toàn bộ tiền phòng trước, sau đó KS sẽ đưa cho một tờ giấy biên nhận để giữ phòng chứ không nhận cọc trước 50% như trước. “Bữa có mấy người (mấy khách sạn – PV) bị phạt vì bán giá cao nên giờ họ sợ lắm”, bà này cho biết.
Theo đại diện của một hãng lữ hành tại Đà Nẵng, dự kiến lượng khách đến Đà Nẵng dịp pháo hoa này cũng sẽ vẫn đông. Và theo lời vị này cho hay, đến thời điểm này thì hầu hết KS từ 3 - 4 sao đã đầy chỗ, hết phòng, nhưng các KS dưới 2 sao thì vẫn còn phòng trống do một số đơn vị trả phòng đã đặt trước đó. Điều này cho thấy rằng, “điệp khúc” hết và “cháy” phòng kèm theo sự tăng giá gấp nhiều lần quy định nêu trên vẫn ngấm ngầm diễn ra ở nhiều KS.
Điều này hầu như năm nào cũng xảy ra, song các nhà quản lý khó có biện pháp chế tài xử lý nếu không có bằng chứng cụ thể (chẳng hạn như phải có biên bản đặt cọc thể hiện rõ mức giá tăng nhiều lần). Và cuối cùng mọi gánh nặng du khách phải gánh chịu.
Ông Đinh Văn Lộc, Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Việt Đà (Vietda Travel) cho biết, lượng khách đến Đà Nẵng dịp này đăng ký qua Vietda Travel dự kiến khoảng từ 700-1.000, tương đương với số lượng khách so với mùa pháo hoa năm ngoái. Tuy nhiên, ông Lộc cho rằng, nhiều công ty, đối tác nói do giá vé máy bay quá cao, lại khó mua, giá tour lại cao so với các chuyến du lịch nước ngoài như Thái Lan, Campuchia, Malaysia… nên nhiều đơn vị thông báo hủy tour pháo hoa. Do đó số khách đến Đà Nẵng dịp DIFC 2012 có thể sẽ giảm đi ít nhiều.
(Theo Baodanang)