Người dân không biết phải làm thủ tục giấy tờ nhà đất của mình theo cách nào, cơ quan thụ lý hồ sơ nhà đất tại TP HCM cũng chưa biết phải tiếp cận và giải quyết hồ sơ nhà đất ra sao khi Luật và Nghị định đất đai chồng chéo.
Người dân không biết phải làm thủ tục giấy tờ nhà đất của mình theo cách nào, cơ quan thụ lý hồ sơ nhà đất tại TP HCM cũng chưa biết phải tiếp cận và giải quyết hồ sơ nhà đất ra sao khi Luật và Nghị định đất đai chồng chéo.
Luật Đất đai quy định việc cấp giấy chứng nhận trong trường hợp chủ nhà đồng thời là chủ sử dụng đất ở khi có giấy tờ hợp lệ về tạo lập nhà, đất mà trên giấy tờ đó ghi tên người khác thì chỉ cần kèm theo giấy tờ về việc chuyển quyền sử dụng đất có chữ ký của các bên có liên quan. Khi làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận, chỉ cần UBND phường xác nhận là đất không có tranh chấp thì được cấp giấy chứng nhận.
Điều 43 của Nghị định 90 lại quy định phải có thêm giấy tờ về việc đã mua bán, nhận tặng cho, đổi, nhận thừa kế nhà ở được UBND cấp xã trở lên xác nhận hoặc trong đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận phải có xác nhận của UBND cấp xã về việc có nhà ở do mua, nhận tặng cho, đổi, nhận thừa kế nhà ở theo quy định của pháp luật khi không có các chứng từ về xây dựng, chuyển quyền theo trình tự thủ tục quy định.
Đại diện một số UBND quận, huyện tại TP HCM nhận định, sự chồng chéo này sẽ gây ra nhiều khó khăn cho cơ quan thụ lý cũng như người dân khi có nhu cầu xin cấp giấy chứng nhận.
Với các luật và nghị định hiện hành, từ nay sẽ đồng thời tồn tại song song hai hệ thống cấp giấy và 2 loại giấy: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trên đó có ghi nhận tài sản trên đất theo quy định của Luật Đất đai do ngành tài nguyên - môi trường cấp; giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở do hệ thống của ngành xây dựng cấp. Phó chủ tịch của một quận ven tại TP HCM cho rằng, việc quy định chồng chéo, thiếu thống nhất như vậy đã tạo ra một "ma trận" dễ nảy sinh tiêu cực và là mảnh đất để cán bộ thừa hành "nhũng nhiễu" dân chúng.
(Theo Thanh Niên)