Sáng 24/11, tại xã Hồng Tiến, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến dự và phát lệnh khởi công tuyến đường cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên.
Sáng 24/11, tại xã Hồng Tiến, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến dự và phát lệnh khởi công tuyến đường cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên.
Dự án xây dựng Quốc lộ 3 mới đoạn Hà Nội-Thái Nguyên là dự án rất quan trọng trong chiến lược phát triển giao thông - vận tải Việt Nam đến năm 2020, tăng cường năng lực giao thông cho tuyến Quốc lộ 3 cũ, góp phần thúc đẩy giao lưu kinh tế-xã hội giữa Hà Nội với Thái Nguyên và các tỉnh miền núi phía Bắc.
Tổng mức đầu tư cho dự án hơn 8.100 tỷ đồng, trong đó vốn vay ODA Nhật Bản gần 6.100 tỷ đồng và vốn đối ứng của Việt Nam hơn 2.000 tỷ đồng.
Toàn tuyến có chiều dài tuyến chính 61,3km, với 4 làn xe, xuất phát từ Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội, tại km 152 + 400 Quốc lộ 1A mới chạy qua Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh và điểm cuối tại km 61 + 313 Quốc lộ 3 thuộc địa bàn phường Thịnh Đán, thành phố Thái Nguyên.
Dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, tốc độ thiết kế 100km/h, chia thành hai đoạn là Hà Nội-Sóc Sơn với 4 làn xe cơ giới, trong đó có 2 làn dừng xe khẩn cấp, nền đường rộng 34,6m và Sóc Sơn-Thái Nguyên với 2 làn xe cơ giới, 2 làn dừng xe khẩn cấp, nền đường rộng 34,5m.
Ngoài ra, trên tuyến đường cao tốc này còn có 6 nút giao thông, 29 cầu cùng nhiều công trình khác như hệ thống thu phí, trung tâm điều khiển, trạm nghỉ và dịch vụ kỹ thuật. Theo kế hoạch, công trình sẽ được đưa vào sử dụng sau 42 tháng kể từ ngày khởi công.
Phát biểu tại Lễ khởi công, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, tiếp theo các dự án đường cao tốc Hà Nội-Lào Cai, Hà Nội-Hải Phòng được khởi công xây dựng thì đây là dự án có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên nói riêng cũng như thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung.
Do vậy, việc bảo đảm tiến độ thi công dự án sẽ đóng góp lớn trong phát triển của khu vực và cả nước. Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, chủ đầu tư, nhà thầu tư vấn giám sát và thi công phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm được giao, hoàn thành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, mỹ quan công trình.
Đồng thời, Thủ tướng đề nghị chính quyền các tỉnh Bắc Ninh, Thái Nguyên và thành phố Hà Nội tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đúng pháp luật về thu hồi, đền bù, giải phóng mặt bằng, làm tốt công tác tái định cư, hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống sau khi thu hồi đất xây dựng tuyến đường này.
Thủ tướng gợi ý tỉnh Thái Nguyên, Bắc Ninh và thành phố Hà Nội - nơi có tuyến đường đi qua cần sớm rà soát lại quy hoạch về phát triển công nghiệp, dịch vụ để khai thác tốt lợi ích của tuyến đường mang lại.
Nhân dịp này, Thủ tưởng cảm ơn Chính phủ Nhật Bản đã giúp đỡ về nguồn vốn cho dự án và mong muốn Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ đầu tư phát triển cho Việt Nam trong đầu tư hạ tầng, vì lợi ích chung của cả hai bên.
Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới thị sát việc hoàn thành lắp đặt cầu phao dã chiến dài 680m và đoạn đường 400m qua bãi giữa sông Hồng nhằm giảm tải cho cầu Thăng Long trong thời gian sửa chữa.
Thủ tướng biểu dương những nỗ lực của cán bộ, chiến sỹ Bộ Tư lệnh Công binh, chỉ trong một thời gian ngắn (48 giờ) đã hoàn thành việc lắp đặt cầu phao nhằm chống ách tắc giao thông qua cầu Thăng Long đang trong thời gian duy tu bảo dưỡng.
Thủ tướng cho rằng, việc lắp đặt cầu phao dã chiến cũng là một đợt diễn tập của Bộ Tư lệnh Công binh trong việc nâng cao khả năng hợp đồng tác chiến trong Quân đội.
Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Công binh, cầu phao dã chiến có chiều rộng 8m, trừ thành cầu còn 6,5m, vừa đủ cho hai làn xe chạy và các loại xe 60 tấn trở xuống có thể qua cầu.
Trong thời gian này sẽ có lực lượng công binh và các đơn vị chức năng khác ứng trực, hướng dẫn xe qua cầu cũng như thực hiện công tác bảo dưỡng, sửa chữa phát sinh.
(Theo TTXVN/Vietnam+)