Giấy hồng hết “sứ mệnh lịch sử”. Cơ quan xây dựng đã nhận hồ sơ để cấp giấy này phải chuyển lại hồ sơ đó cho cơ quan tài nguyên môi trường.
Giấy hồng hết “sứ mệnh lịch sử”. Cơ quan xây dựng đã nhận hồ sơ để cấp giấy này phải chuyển lại hồ sơ đó cho cơ quan tài nguyên môi trường.
Hôm qua (5-8), Pháp Luật TP.HCM đã chuyển nội dung thông tin về cách hiểu khác nhau giữa Sở Xây dựng và các quận, huyện ở TP.HCM xung quanh việc cấp giấy cho nhà đất sau ngày 1-8 (ngày quy định về gộp giấy nhà đất có hiệu lực) đến lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT). Theo đó, nhiều quận, huyện ở TP.HCM vẫn nhận hồ sơ và cấp giấy hồng cho người dân theo quy định cũ do nhiều cán bộ cho rằng Văn bản 1297 ngày 29-7 của Thủ tướng (về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất) không chỉ đạo ngừng cấp giấy hồng và TP chưa có văn bản hướng dẫn.
Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển nhấn mạnh: “Giờ mà cấp giấy hồng là không có cơ sở pháp lý nào cả!”.
Chỉ nhận hồ sơ chứ chưa cấp giấy
Ông Hiển cho biết: “Sau khi Thủ tướng ra Văn bản 1297 nói trên, Bộ TN&MT đã ra Công văn 2752 ngày 31-7 hướng dẫn cụ thể chỉ đạo của Thủ tướng tới các tỉnh, thành”.
Theo công văn này, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan TN&MT, xây dựng và các cơ quan liên quan rà soát giấy chứng nhận đã ký trước ngày 1-8 để trao cho dân. Đối với các hồ sơ đã nhận trước ngày 1-8 thì tiếp tục hoàn thiện để làm thủ tục cấp giấy. UBND cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan TN&MT cấp tỉnh, cấp huyện thực hiện việc tiếp nhận, hoàn thiện hồ sơ cấp giấy, không để ách tắc. Đồng thời, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để cấp giấy mới cho dân ngay khi có văn bản hướng dẫn.
Về văn bản của Bộ TN&MT, ông Hiển giải thích rõ: “Những hồ sơ đã nộp trước ngày 1-8 thì phân thành hai loại. Trường hợp giấy đỏ, giấy hồng mà UBND cấp tỉnh, cấp huyện đã ký trước ngày 1-8 thì giao ngay cho dân, những giấy này vẫn giữ nguyên giá trị. Sau này, nếu người dân có nhu cầu thì cơ quan chức năng cấp đổi giấy mới cho họ. Với những hồ sơ chưa kịp cấp giấy thì tiếp tục hoàn thiện, chờ tới khi có nghị định hướng dẫn sẽ cấp giấy mới cho người dân, tổ chức”.
“Với những hồ sơ sau ngày 1-8, người dân, tổ chức mang hồ sơ xin cấp giấy đến nộp tại cơ quan TN&MT. Cơ quan này nhận hồ sơ, làm các thủ tục cần thiết. Việc xử lý các hồ sơ này vẫn làm như lâu nay, cần bổ sung gì thì cho người dân bổ sung. Khi có nghị định mới thì cấp giấy cho người dân” - ông Hiển nhấn mạnh.
“Hiểu chưa đúng thì phải hiểu lại”
Theo ông Hiển, sau ngày 1-8, đơn vị nhận hồ sơ để cấp giấy cho nhà đất chỉ còn một cơ quan thuộc ngành TN&MT, đó là Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất ở cấp quận, huyện và tỉnh, thành. Trường hợp cơ quan xây dựng đã nhận hồ sơ để cấp giấy hồng cho cá nhân, tổ chức thì cần chuyển lại hồ sơ đó cho cơ quan TN&MT để cấp theo giấy mới.
“Sau 1-8 không được cấp giấy hồng. Giờ mà cấp giấy hồng là không có cơ sở pháp lý nào cả! Thực tế cho thấy các địa phương có cách hiểu khác nhau và Bộ đã có văn bản hướng dẫn như đã nêu ở trên. Cán bộ nào hiểu chưa đúng thì phải hiểu lại. Đây là thời kỳ chuyển tiếp giữa quy định cũ và quy định mới về cấp giấy cho nhà đất. Có vấn đề gì bất cập báo chí cứ phản ánh, Bộ sẽ uốn nắn địa phương thực hiện cho thống nhất” - ông Hiển nói.
Trong tuần, có thể trình nghị định về cấp giấy
Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển cho biết Bộ đang gấp rút hoàn thành dự thảo nghị định hướng dẫn cấp một giấy cho nhà đất và có thể trình Chính phủ trong tuần này. Sau khi ban hành, nghị định có hiệu lực sau 45 ngày. Nếu bây giờ người dân nộp hồ sơ thì cũng không phải đợi lâu (quy định thời hạn cấp giấy đỏ hiện tại là 55 ngày, chưa kể thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính).
Ông Hiển cũng cho biết khi người dân chuyển nhượng nhà đất thì các thủ tục sang tên vẫn tiến hành bình thường. Người được chuyển nhượng nếu có nhu cầu thì cơ quan cấp giấy sẽ cấp giấy mới cho họ.
(Theo Pháp luật TPHCM)