Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Mục tiêu đến cuối năm 2020 là tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%.
Thủ tướng Chính phủ vừa duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền
mặt giai đoạn 2016 - 2020.
Theo đó, để đạt được mục tiêu trên, Chính phủ sẽ nghiên cứu rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định về việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán; xem xét bổ sung quy định các cá nhân, tổ chức có hoạt động kinh doanh phải mở tài khoản thanh toán tại các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán để thực hiện các giao dịch thanh toán.
Cùng với đó, sẽ nghiên cứu ban hành quy định giao dịch mua bán bất động sản (BĐS) và những tài sản có giá trị lớn (xe máy, ô tô, tàu thuyền,…) phải thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt.
Theo nhận định của một số chuyên gia, dự thảo Nghị định về thanh toán tiền mặt có nhiều điểm có lợi như sẽ “nắn” dòng tiền lưu thông vào hệ thống ngân hàng, nhờ đó có thể kiểm soát tốt hơn hoạt động rửa tiền trong nền kinh tế. Từ lâu, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng việc hạn chế tiền mặt lưu thông trên thị trường.
Trong hoạt động giao dịch BĐS, theo Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM (HoREA), ông Lê Hoàng Châu, từ nhiều năm trước Chính phủ và Bộ Xây dựng đã có những quy định về điều này vì Việt Nam đã ký Công ước Phòng chống rửa tiền của Liên Hiệp Quốc để chặn đứng dòng tiền "đen" trên thị trường. Bất động sản là một đối tượng lớn trong đó. Nếu được thực thi Nghị định này một cách đồng bộ, chặt chẽ sẽ giúp cho thị trường địa ốc tiệm cận với sự minh bạch trong thời gian tới.
Chủ tịch HoREA cho hay, thị trường nhà đất đã chứng kiến nhiều người chở cả xe tải tiền hoặc bao tải tiền đến mua nhà trong những năm 2010 - 2012, rồi bán lại hưởng chênh lệch rất lớn. Tuy nhiên, một khi Nghị định này được thực thi sẽ "khai tử" các trường hợp giao dịch bằng tiền mặt, đồng thời tạo sự minh bạch cho các bên liên quan và Nhà nước sẽ kiểm soát tốt những biến động về giao dịch nếu quá lớn.
Tuy vậy, theo ông Lê Hoàng Châu, thói quen của đại bộ phận người dân là cất giữ tiền mặt trong nhà, thanh toán mọi thứ bằng tiền mặt chứ không muốn mất thời gian thực hiện các thủ tục tại ngân hàng. Vị này cho biết thêm: "Trước mắt, Nghị định này sẽ giúp loại bỏ các dạng rửa tiền trên thị trường nhà đất và sẽ tác động không nhỏ đến giao dịch lẫn sức mua do tâm lý e ngại chuyển tiền qua ngân hàng của nhiều người dân. Vì vậy, người mua nhà sẽ tìm những phương thức chuyển đổi thích hợp".
Trong khi đó, ông Đinh Thế Hiển - chuyên gia tài chính, kinh tế khẳng định, việc này phải thực hiện từ rất lâu vì Bộ Tài Chính cũng đã có quy định những giao dịch lớn phải thông qua hệ thống ngân hàng chứ không được dùng tiền mặt.
Một là, hiện người dân cũng quá quen thuộc với việc sử dụng ngân hàng, hầu như ai cũng có tài khoản để thực hiện mọi giao dịch.
Hai là, giao dịch BĐS lại thuộc loại giao dịch lớn, liên quan đến vấn đề pháp lý nên khi thanh toán không sử dụng tiền mặt sẽ giúp cho thị trường minh bạch, những rủi ro trong mua bán nhà đất sẽ được hạn chế.
Vậy nhưng, ngoài những mặt được của dự thảo Nghị định, nhiều doanh nghiệp cho rằng vẫn có nhiều bất cập và cần phải bổ sung. Ví dụ, với hợp đồng mua bán hàng hóa quy định thanh toán bằng USD nhưng có ngân hàng lại yêu cầu chuyển khoản bằng Việt Nam đồng.
Nếu bên A muốn chuyển khoản cho bên B thì phải đổi USD sang tiền Việt để nộp cho ngân hàng, do đó sẽ bị thiệt vì chênh lệch tỷ giá. Hơn nữa, khi bên B chuyển trả bằng tiền Việt thì bên A lại thiệt thêm lần nữa.
Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, ông Nguyễn Văn Đực bày tỏ băn khoăn trước đề xuất mua bán nhà đất phải giao dịch qua ngân hàng. Theo ông Đực, điều này sẽ khiến người mua nhà bỗng dưng mất thêm khoản phí giao dịch.
Vị này bày tỏ: "Ngân hàng thu được một khoản phí trong khi doanh nghiệp kinh doanh BĐS khi nợ ngân hàng một ngày thì bị phạt còn khi ngân hàng vì lý do trục trặc mà chậm trả cho doanh nghiệp tiền giao dịch đến 1 tuần thì không bị ai phạt cả. Như vậy, mọi điều lợi đều thuộc về ngân hàng".