Bất cứ đồ án quy hoạch đô thị nào cũng đều phải dành đất cho không gian công cộng. Trên thực tế, không gian công cộng là nơi thể hiện rõ nhất hình ảnh đặc trưng của đô thị, cũng như mang nhiều giá trị to lớn về vật chất, tinh thần đối với người dân.
Bất cứ đồ án quy hoạch đô thị nào cũng đều phải dành đất cho không gian công cộng. Trên thực tế, không gian công cộng là nơi thể hiện rõ nhất hình ảnh đặc trưng của đô thị, cũng như mang nhiều giá trị to lớn về vật chất, tinh thần đối với người dân.
Quý giá là vậy nhưng không gian công cộng đã và đang tiếp tục bị bóp nghẹt bởi các nhu cầu được xem là "chính đáng", "bức thiết". Nguyên nhân là từ việc quản lý lỏng lẻo tại các khu vực đô thị cũ, không được quan tâm đầy đủ khi đầu tư xây dựng khu đô thị mới.
Không gian công cộng là nơi thể hiện rõ nhất cuộc sống đô thị và mang nhiều giá trị đặc biệt về thể chất (môi trường lành mạnh giúp con người phục hồi sức khỏe), kinh tế-xã hội-văn hóa (diễn ra hoạt động cộng đồng đặc trưng của đô thị)... Tuy nhiên, hiện nay, không gian này đang bị thu hẹp dần, không được quản lý tốt và không được quan tâm đầu đủ khi phát triển khu đô thị mới. PGS.TS.KTS Huỳnh Đăng Hy tổng kết, trong hầu hết đồ án quy hoạch từ năm 1990 đến nay thể hiện không rõ hệ thống trung tâm dịch vụ công cộng. Vì thế ở đô thị lớn, như Thủ đô Hà Nội chẳng hạn, đến nay vẫn chưa hình thành rõ nét một trung tâm công cộng cấp quận. Thậm chí ở mỗi quận không có nổi một quảng trường trung tâm để có thể tổ chức vui chơi, sinh hoạt cộng đồng nhân dịp lễ hội. Đã vậy, nhiều trường hợp cơ quan quản lý tùy tiện cho xây công trình trên đất quy hoạch công cộng.
Không chỉ bị "xô đẩy" ở trong các khu vực đô thị cũ, ngay cả ở các khu đô thị mới được quy hoạch bài bản, thể hiện rõ hệ thống công trình công cộng (trường học, vườn hoa, sân chơi, nhà văn hóa...) nhưng công trình công cộng cũng bị "chen lấn". Ở nhiều khu đô thị, công trình công cộng nếu được xây dựng thì chất lượng không cao, nhiều nơi có quy hoạch nhưng không được xây dựng và bị chủ đầu tư biến tướng thành các công trình có công năng sử dụng khác dễ kiếm lời hơn.
PGS.TS Vũ Thị Vinh, Phó Tổng thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam, phân tích, với quan điểm đô thị mới phải văn minh, hiện đại nên hầu như khu đô thị mới không xác định diện tích xây chợ dân sinh. Tương tự, trường học (nhất là bậc mầm non và tiểu học) cũng thiếu nghiêm trọng. Nhiều người tuy về định cư nhưng không dám chuyển hộ khẩu vì con, em họ vẫn phải học ở nơi ở cũ mặc dù thiết kế, các khu đô thị mói đều quy hoạch 12%-15% diện tích đất cho trường học, nhưng sau chục năm hình thành, mới chỉ có 5/17 trường học và 2/19 nhà trẻ theo quy hoạch được xây dựng"- TS Vinh cho biết.
Nhiều ý kiến cho rằng, các nhà đầu tư chỉ tìm cách chia lô bán nền, xây nhà ở kinh doanh mà thiếu quan tâm đến xây dựng các công trình công cộng. PGS.TS Nguyễn Hồng Thục cho biết, do khu đô thị mới không không có hệ thống dịch vụ công cộng hoàn chỉnh nên hệ quả là sáng ra toàn bộ dân cư ở khu đô thị lên đường đến nơi làm việc, trường học, bệnh viện, cơ quan hành chính... tại trung tâm cũ. Chiều tối, dòng người lại dịch chuyển ngược lại gây ra ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, trật tự đô thị hỗn loạn. Trong khi đó, tại các trung tâm cũ, việc phát triển dịch vụ công cộng đô thị cũng bị bỏ ngỏ và chịu sự quá tải do bùng nổ dân số làm cho bộ mặt các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh bị tàn phá nặng nề.
Rõ ràng quản lý không gian công cộng là dịch vụ công. Song các văn bản pháp luật không đề xuất đầy đủ việc người dân có thể giám sát hiểu quả dịch vụ này như thế nào (?).Thông tin cung cấp cho người dân tham gia giám sát không đầy đủ; thiếu khung pháp lý buộc cơ quan công quyền phải phản hồi đóng góp của người dân. Để phát triển không gian công cộng, nhiều chuyên gia đề nghị việc xác định mục đích quy hoạch phải được thực hiện thận trọng, bởi người sử dụng quy hoạch chính là người dân. Cơ quan nghiên cứu quy hoạch, khi xác định mục đích quy hoạch, cần điều tra, tham vấn người dân xem họ muốn sử dụng không gian công cộng cụ thể đó như thế nào và coi thông tin phản hồi từ người dân là đầu bài cho bước xác định nhiệm vụ và thiết kế quy hoạch. Đối với các khu đô thị mới, chính quyền đô thị không nên khoán trắng trách nhiệm cho nhà đầu tư.
(Theo KTĐT)