Một điều lạ lùng, dù đang có nhiều khu dân cư đô thị (KDC-ĐT) bị bỏ hoang cho cỏ mọc, làm nơi chăn thả trâu bò, nhưng “thợ quy hoạch” của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long vẫn tiếp tục “vẽ” thêm nhiều dự án xây dựng KDC-ĐT mới
Một điều lạ lùng, dù đang có nhiều khu dân cư đô thị (KDC-ĐT) bị bỏ hoang cho cỏ mọc, làm nơi chăn thả trâu bò, nhưng “thợ quy hoạch” của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long vẫn tiếp tục “vẽ” thêm nhiều dự án xây dựng KDC-ĐT mới
Đã ba năm nay, sáng nào bà Tư ở thị trấn Mỹ Phước (huyện Tân Phước, Tiền Giang) cũng lùa đàn bò gần chục con ra thả rông ở KDC-ĐT thị trấn Mỹ Phước.
Hàng loạt khu dân cư bỏ hoang
Xây dựng từ năm 2003, KDC-ĐT ở khu 1 thị trấn Mỹ Phước có diện tích hơn 18.000m2, được chia thành 204 nền nhà. Theo ông Lê Văn Lưỡng, chánh văn phòng UBND huyện Tân Phước, KDC-ĐT này trước đây nguyên là đất công của Nhà nước quản lý, huyện đã kêu gọi đầu tư hơn 10 tỉ đồng để san lấp mặt bằng, làm hạ tầng. Giá bán cao nhất 200 triệu đồng/nền 100m2, thấp nhất 65 triệu đồng/nền nhưng chẳng ai thèm mua. Mãi đến năm 2008, UBND huyện Tân Phước mới bán được 149 nền, người mua chủ yếu là những nhà đầu cơ bất động sản ở các địa phương khác, nên không ai xây cất.
Tại thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang), tháng 2.2006 UBND tỉnh chủ trương mở đường Hùng Vương từ xã Đạo Thạnh ra đến quốc lộ 50, dài 1.100m, quy mô sáu làn xe. Hơn 370 gia đình phải di dời để trung tâm phát triển quỹ đất và đầu tư xây dựng hạ tầng tỉnh xây “đại lộ” và KDC-ĐT, thương mại dịch vụ dọc hai bên đường, gồm 284 nền nhà bán đấu giá và 365 nền tái định cư. Tỉnh đã đầu tư vào dự án đại lộ và KDC-ĐT Hùng Vương nối dài khoảng 150 tỉ đồng, nhưng cho đến nay chưa bán được nền nhà nào. Nguyên nhân, UBND tỉnh Tiền Giang chưa quyết định được giá bán nền khu vực này.
Ở xã Phú Quới, huyện Long Hồ (tỉnh Vĩnh Long), KDC-ĐT Phước Yên rộng hơn 82ha nhiều năm nay là bãi đất hoang đầy cây mai dương và cỏ dại, hàng ngày người dân trong vùng tha hồ chăn thả bò. Trước đây, khu vực này san sát ao nuôi cá của người dân và đất ruộng lúa.
Trong khi đó ở Long An, từ năm 2003, người dân phường 6, thị xã Tân An ăn ngủ không yên vì quy hoạch khu hành chính và KDC-ĐT rộng 100ha của tỉnh. Hàng trăm gia đình phải rời bỏ nhà cửa, ruộng vườn vì bị giải toả trắng với giá 70 triệu đồng/1.000m2 ruộng mặt tiền, 35 triệu đồng/1.000m2 ruộng mặt hậu. Sau đó UBND tỉnh Long An giao cho một công ty 76ha để xây dựng KDC-ĐT, nhưng đến nay chỉ mới xây được mấy bức tường bao bằng tôn thiếc, còn đất đai bỏ cho cỏ mọc.
Tại xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức, diện tích đất nông nghiệp chỉ có 654ha trong khi dân số hơn 17.000 người, từ năm 2001 UBND tỉnh quy hoạch sáu KDC-ĐT với tổng diện tích hơn 210ha, nhưng “treo” hoài, khiến hơn 600 gia đình suốt tám năm qua không thể trồng trọt hoặc sửa sang nhà cửa. Ông Nguyễn Văn Quý, chủ tịch UBND xã Mỹ Yên, cho biết địa phương đã nhiều lần kiến nghị UBND tỉnh triển khai nhanh các dự án KDC-ĐT hoặc xoá dự án để không ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, nhưng tất cả vẫn chìm trong im lặng.
Vẫn tiếp tục quy hoạch
Tuy vậy, tại Tiền Giang, UBND tỉnh này đang tiếp tục mời gọi đầu tư vào bốn KDC-ĐT rộng 290ha ở các xã Bình Đức, Long Định, Tam Hiệp (huyện Châu Thành) và đông bắc Bảo Định (TP Mỹ Tho).
Tại Đồng Tháp, sau khi UBND tỉnh từ chối dự án “đóng tàu trên giấy” rộng 450ha của tập đoàn công nghiệp tàu thuỷ Vinashin, hàng trăm gia đình ở hai xã Tân Hoà, Định Hoà của huyện Lai Vung chưa kịp ăn mừng thì phải đối diện trước viễn cảnh mất đất đai, nhà cửa do tỉnh quyết định chuyển dự án đóng tàu thành dự án cụm công nghiệp — đô thị — dịch vụ. Ngoài dự án này, hiện Đồng Tháp còn kêu gọi đầu tư gần 20 KDC-ĐT với tổng diện tích gần 600ha đất, trong đó “nổi đám” nhất là KDC-ĐT Phú Mỹ rộng 36ha (thuộc phường Mỹ Phú, TP Cao Lãnh và xã An Bình, huyện Cao Lãnh), có vốn đầu tư hơn 350 tỉ đồng.
Trong khi đó tại Long An, sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đang mời gọi đầu tư vào KDC-ĐT xã Phước Lý huyện Cần Giuộc rộng 19ha, KDC-ĐT thị xã Tân An rộng 100ha và nhiều KDC-ĐT ở các huyện khác, trong đó có khu du lịch làng nổi Tân Lập ở huyện Mộc Hoá rộng 135 ha, vốn đầu tư hạ tầng lên đến gần 100 tỉ đồng.
Việc quy hoạch xây dựng các KDC-ĐT nhằm mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, nhưng liệu có nên làm theo kiểu “phong trào”, thích chỗ nào thì “vẽ” chỗ nấy, bất chấp hiệu quả là lãng phí tài nguyên đất.
(Theo SGTT)