8 năm sau khi được khai quật, sáng 2/10, khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu với nền móng cung điện, giếng nước, hồ cổ, sông cổ... lần đầu tiên được giới thiệu trước công chúng.
8 năm sau khi được khai quật, sáng 2/10, khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu với nền móng cung điện, giếng nước, hồ cổ, sông cổ... lần đầu tiên được giới thiệu trước công chúng.
Du khách sẽ được tiếp xúc, tận mắt chứng kiến một phần di tích tiêu biểu của Hoàng thành Thăng Long. Đó là chứng tích qua 1000 năm lịch sử, từ các thời Đại La, Đinh tiền Lê, thời Lý, Trần, Lê Sơ, Mạc, Nguyễn cho đến thời đại Hồ Chí Minh.
Tại khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu, Ban tổ chức lập một sa bàn tái tạo lại kiến trúc của quần thể cung điện cổ trong diện tích khảo cổ 33.000 m2. Bên phía bắc của tượng đài liệt sĩ hiện nay là các dấu tích của thời Lý, tiếp đến là thời nhà Trần, Mạc, Nguyễn...
Quang cảnh chung khu khảo cổ với hàng loạt dấu tích tầng văn hóa, nền móng kiến trúc cung điện, giếng nước, cống nước, hồ cổ, sông cổ, di vật cổ với 10 điểm nhấn, giúp du khách có thể cảm nhận được phần nào sự đa dạng, phong phú, nối tiếp liên tục của các lớp văn hóa và di tích đang được bảo vệ nguyên trạng từ năm 2002 đến nay.
8 khu vực tham quan trong Hoàng thành Thăng Long:
1. Cột Cờ: Di tích của thành Hà Nội thời Nguyễn được xây dựng vào năm 1804.
2. Đoan Môn: Cửa chính của Cấm thành thời Lê Sơ (thế kỷ 15) được xây dựng trên cơ sở Đoan Môn thời Lý và thời Trần. Tại đây còn có hố thám sát khảo cổ học phát hiện dấu tích sân nền lát gạch vồ thời Lê và móng kiến trúc có dải trang trí "hoa chanh" thời Trần.
3. Hậu Lâu: Kiến trúc được xây dựng đầu thế kỷ 20, trước đó ở đây có lầu Tĩnh Bắc (còn gọi là lầu Công Chúa).
4. Nền điện Kính Thiên: Chính điện thiết triều của nhà Lê Sơ được xây dựng trên cơ sở điện Càn Nguyên (đầu thời Lý), điện Thiên An (thời Lý và thời Trần). Trước nền điện có bậc thềm đá và lan can đá chạm rồng có niên đại năm 1467.
5. Bắc Môn: Cửa bắc của thành Hà Nội thời Nguyễn.
6. Nhà D67 và hầm D67: Được xây dựng năm 1967, nơi làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Văn Tiến Dũng, nơi diễn ra một số cuộc họp quan trọng trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước.
7. Nhà trưng bày "Hoàng thành Thăng Long", trưng bày 150 di vật tiêu biểu được khai quật tại Hoàng thành và các ảnh, bản vẽ giới thiệu khu di sản.
8. Nhà N32 và N32 trưng bày theo chuyên đề hơn 700 di vật được khai quật tại Hoàng thành Thăng Long bao gồm một số vật liệu xây dựng, trang trí kiến trúc, một số vật dụng sinh hoạt hằng ngày từ thời Đại La cho đến các thời Lý, Trần, Lê.
Hoàng thành Thăng Long mở cửa từ ngày 2/10 đến 2/11, bắt đầu từ 8h đến 12h sáng và từ 13h đến 17h chiều.
Riêng Khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu mở cửa từ ngày 2/10 đến 11/10 và từ 14/10 đến 23/10; từ 24/10 đến 2/10 chỉ đón khách vào thứ tư đến chủ nhật.
Sau 3/11, Khu di tích 18 Hoàng Diệu đóng cửa để thực hiện bảo tồn, nghiên cứu và xây dựng hồ sơ khoa học. |
(Theo Vnexpress)