Những phần cơi nới làm biến dạng mặt tiền, những biển hiệu quảng cáo che khuất, cây dại và rêu mốc che phủ... đang làm cho khu phố Pháp, một tài sản kiến trúc quan trọng của Hà Nội, biến dạng.
Những phần cơi nới làm biến dạng mặt tiền, những biển hiệu quảng cáo che khuất, cây dại và rêu mốc che phủ... đang làm cho khu phố Pháp, một tài sản kiến trúc quan trọng của Hà Nội, biến dạng.
Theo ông Thierry Huan, chuyên gia quy hoạch cảnh quan của Pháp, trong những năm gần đây, sự xuất hiện của nhiều công trình cao tầng, đặc biệt là nhà ở được xây mới theo kiểu giả phong cách Pháp khiến khu phố cũ này trở nên khó nhận diện. Trong đó, tình trạng phổ biến là việc sát nhập các thửa đất để xây dựng những tòa tháp cao tầng làm khách sạn, văn phòng, theo phong cách hiện đại. Các tòa nhà này làm phá vỡ các mối quan hệ về tỷ lệ và nguyên tắc tạo sự cân đối.
Những gam màu tiêu biểu trong khu phố Pháp của Hà Nội, tường vàng và cửa sơn xanh, hiện cũng không được tôn trọng. Phổ biến hơn cả chính là các biển hiệu của các cửa hàng có kích thước quá to, lòe loẹt, đôi khi che khuất toàn bộ mặt tiền của công trình. Ngoài ra, những dãy tường rào chạy thẳng hàng dọc theo hè phố là một nét đặc trưng cơ bản trong khu phố Pháp. Tất cả đều có dạng bờ tường thấp có cắm hàng rào sắt. Tuy nhiên, hiện những chi tiết kiến trúc đặc biệt này đều đang dần biến mất.
"Kiến trúc không hợp lý khiến bộ mặt khu phố biến dạng. Hiện nay, khó có thể ngăn cấm những tòa nhà cao tầng, nhưng chiều cao và phạm vi chiếm đất của công trình phải được tính toán theo vị trí xây dựng. Có một số khu vực ít bị ảnh hưởng, nên xây các tòa nhà cao tầng lùi sâu vào bên trong ô phố hoặc tùy từng trường hợp phải đảm bảo khoảng lùi nhất định với mép đường. Không nên phô diễn phong cách kiến trúc phỏng theo những công trình lịch sử gần kề, dễ gây nhiễu cho diện mạo di sản. Không thể biến Hà Nội cũ thành New York hay Paris", chuyên gia này cho biết.
Chính vì thực tế này, các chuyên gia vùng Ile de France (Pháp) đang cùng Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội triển khai dự án bảo tồn và phát triển khu phố Pháp phía nam quận Hoàn Kiếm. Dự án nghiên cứu rộng 210 ha, phía bắc giáp hồ Gươm và các tuyến phố Hai Bà Trưng, Hàng Bông, Ấu Triệu, Lò Sũ; phía nam giáp đường Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Du, Lê Văn Hưu, Hàn Thuyên, Trần Hưng Đạo; phía đông giáp đường Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư; phía tây giáp đường Lê Duẩn. Ba khu vực có mật độ di sản nhiều và có nét đặc thù của kiến trúc Pháp được ưu tiên nghiên cứu là khu Nhà hát lớn, khu nhà thờ lớn và quanh hồ Thiền Quang.
Dự án bảo tồn sẽ được tiến hành thành bốn giai đoạn. Theo các chuyên gia, quá trình thực hiện sẽ có những việc đòi hỏi sự công phu, tốn kém về kinh phí, phức tạp trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là dự án cần có sự tham gia đồng thuận của chính người dân, đảm bảo được tính tiêu biểu, đặc trưng về kiến trúc, gắn kết với những đô thị xung quanh và không ảnh hưởng đến giá trị văn hóa chung.
Tâm Anh