Thông tư liên tịch Số 20/2013/TTLT-BXD-BNV hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định 11/2013/NĐ-CP mới được liên Bộ Xây dựng-Bộ Nội vụ ban hành...
Theo Thông tư liên tịch Số 20/2013/TTLT-BXD-BNV hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định 11/2013/NĐ-CP mới được liên Bộ Xây dựng-Bộ Nội vụ ban hành, từ ngày 05/01/2014, người dân có thể được chuyển quyền sử dụng đất trong khu đô thị để tự xây nhà ở.
Theo quy định, các khu vực được thực hiện chuyển quyền sử dụng đất đã đầu tư xây dựng hạ tầng cho người dân tự xây dựng nhà ở có thể bao gồm một khu vực gồm nhiều dự án, một dự án hoặc một phần trong dự án.
Việc cho phép chủ đầu tư được chuyển quyền sử dụng đất cho người dân tự xây nhà ở khiến không ít người lo ngại sẽ xảy ra tình trạng các KĐT bị bỏ hoang, lãng phí hạ tầng, đất đai như đã từng xảy ra trước đây khi việc phân lô, bán nền được thực hiện tràn lan, thiếu kiểm soát. Tuy nhiên, theo quy định tại Thông tư, việc chia lô bán nền tại các khu đô thị sẽ được kiểm soát chặt chẽ.
Thông tư quy định, “tùy theo nhu cầu phát triển đô thị, khả năng huy động các nguồn lực, đề xuất của chủ đầu tư, UBND cấp tỉnh quy định các khu vực được chuyển quyền sử dụng đất đã được đầu tư xây dựng hạ tầng cho người dân (hộ gia đình, cá nhân) tự xây dựng nhà ở, sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng theo quy định tại Khoản 7, Điều 4 của Nghị định số 11/2013/NĐ-CP.
Như vậy, việc chia lô bán nền sẽ được kiểm soát qua nhiều khâu và chỉ khi tuân thủ các quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị (quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết) và quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc của khu vực đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt cũng như đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, an sinh xã hội và nhu cầu về nhà ở của địa phương mới được cho phép.
Đồng thời, khu vực được thực hiện chuyển quyền sử dụng đất phải được đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu theo quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt, đảm bảo kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực trước khi thực hiện việc chuyển quyền sử dụng đất cho người dân tự xây dựng nhà ở và phải đảm bảo việc cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho người dân khi đến ở.
Cùng với các quy định chặt chẽ đối với chủ đầu tư, các hộ gia đình, cá nhân được quyền sử dụng đất để tự xây nhà ở cũng phải tuân thủ các quy định về quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị đã được phê duyệt và thực hiện việc xây dựng đúng theo giấy phép xây dựng.
Để đảm bảo kiến trúc cảnh quan đô thị, các lô đất được thực hiện chuyển quyền sử dụng đất để người dân tự xây dựng nhà ở tại các khu đô thị loại đặc biệt sẽ phải nằm ngoài khu vực nội thành.
Ngoài ra, tại các khu vực có yêu cầu cao về kiến trúc cảnh quan, khu vực trung tâm và xung quanh các công trình là điểm nhấn kiến trúc trong đô thị, lô đất nằm ở mặt tiền các tuyến đường cấp khu vực trở lên và các tuyến đường cảnh quan chính trong đô thị sẽ không được phân lô, bán nền.
Thông tư cũng quy định rõ trách nhiệm giám sát, kiểm tra việc thực hiện chuyển quyền sử dụng đất đã đầu tư xây dựng hạ tầng cho người dân tự xây nhà ở đối với các cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về xây dựng, tài nguyên môi trường ở địa phương, BQL khu vực phát triển đô thị (nếu có) và chủ đầu tư dự án nhằm đảm bảo việc xây dựng nhà ở của người dân được thực hiện theo đúng quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị của dự án và quy định của pháp luật.
Cùng với những quy định cụ thể để kiểm soát chặt về việc chia lô bán nền, các quy định khác trong Nghị định 11/2013/NĐ-CP cũng sẽ là những công cụ kiểm soát hiệu quả việc phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch thông qua hoạt động của Ban quản lý khu vực phát triển đô thị hoặc Sở Xây dựng (đối với các khu vực phát triển đô thị không thành lập Ban quản lý)…
Như vậy, sự kiểm soát chặt chẽ việc phân lô bán nền sẽ đóng vai trò tiên quyết nhằm đảm bảo các chủ đầu tư cũng như người dân được chuyển quyền sử dụng đất tự xây dựng nhà ở thực hiện theo đúng quy định.
Bởi thực tế cho thấy, vấn đề không phải nằm ở chia lô bán nền, vì nhiều khu đô thị dù đã xây dựng nhà ở, hoàn thiện hạ tầng nhưng vẫn bị bỏ hoang do sự đầu tư tràn lan, thiếu kiểm soát, không theo quy hoạch, kế hoạch.
Theo Thông tư Số 20/2013/TTLT-BXD-BNV, khu vực phát triển đô thị phải được đình kỳ (05 năm một lần) xem xét, rà soát, đánh giá quá trình thực hiện đầu tư xây dựng để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội và dự báo nhu cầu về phát triển đô thị.
Trong hồ sơ đề xuất khu vực phát triển đô thị phải thể hiện cụ thể phân đợt thực hiện đầu tư theo các giai đoạn 5 năm với danh mục các dự án được thực hiện trong từng phân đợt. Kế hoạch thực hiện khu vực phát triển đô thị được lập căn cứ theo: Thời hạn thực hiện của quy hoạch đô thị và chương trình phát triển đô thị đã được phê duyệt; dự báo nhu cầu về nhà ở và dịch vụ đô thị (gắn liền với tốc độ gia tăng dân số dự kiến) và khả năng huy động các nguồn lực cho công tác đầu tư xây dựng…
Thông tư cũng hướng dẫn việc rà soát phân loại các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới đã được chấp thuận, cho phép đầu tư để UBND cấp tỉnh quyết định cho phép những dự án nào phải dừng, tạm dừng và những dự án nào được tiếp tục triển khai.
|
Theo Baoxaydung