Liên quan đến đề án quản lý hoạt động vận tải hành khách bằng taxi, Hiệp hội Taxi Hà Nội vừa chính thức có văn bản kiến nghị lên UBND TP và Sở GTVT.
Liên quan đến đề án "Quản lý hoạt động vận tải hành khách bằng taxi trên địa bàn TP.Hà Nội giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến 2030", Hiệp hội Taxi Hà Nội vừa chính thức có văn bản kiến nghị lên UBND TP và Sở GTVT xung quanh việc phân vùng hoạt động, đồng hồ tính cước...
Taxi không phải thủ phạm gây tắc đường
Theo ông Đỗ Quốc Bình - Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, trong năm 2011, với 114 DN và khoảng 17.000 đầu phương tiện, các doanh nghiệp taxi đã vận chuyển được khoảng 100 triệu lượt hành khách công cộng, đóng góp cho TP hàng trăm tỉ đồng tiền thuế, giải quyết công ăn việc làm cho trên 30.000 lao động. Tuy nhiên, các DN taxi không được hưởng bất kỳ một ưu đãi nào từ chính sách ưu đãi đầu tư trong nước. Trong khi đó, năm 2011 xe buýt Hà Nội được trợ giá 1.084 tỉ đồng.
Ông Bình nhìn nhận rằng, sự phát triển ồ ạt của xe ôtô cá nhân và xe gắn máy không có định hướng kiểm soát là nguyên nhân chính gây nên tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội.
Ông Bình nêu dẫn chứng, nếu chỉ dùng xe cá nhân để chuyên chở 100 triệu lượt khách/năm thay thế cho taxi thì số xe ôtô ở Hà Nội phải tăng thêm 150.000 xe, tương ứng tăng thêm 30% số xe ôtô cá nhân, đồng nghĩa với việc tăng khả năng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, quá tải điểm đỗ.
"Taxi là loại hình vận chuyển khách công cộng, góp phần giảm lượng ôtô cá nhân và xe máy. Do đó, chưa có căn cứ nào để nói nguyên nhân chính gây ùn tắc giao thông tại Hà Nội là do taxi gây ra" - ông Bình khẳng định. Nêu ra dẫn chứng, ông Bình cho rằng, vào giờ cao điểm, kẹt xe, hầu hết các lái xe taxi tại Hà Nội đều hạn chế không cho xe hoạt động, do tiền cước thu không đủ bù chi phí.
Ngoài ra, số lượng xe cá nhân tại Hà Nội hiện có 600.000 ôtô và gần 4,5 triệu xe gắn máy. Từ năm 2006 đến nay, mỗi năm tại Hà Nội, lượng ôtô tư nhân gia tăng thêm 40.000 xe/năm, xe gắn máy tăng thêm 150.000 xe, trong khi đó tổng lượng xe taxi suốt 17 năm qua mới có 15.000 chiếc, chỉ bằng số lượng xe tư nhân đăng ký trong 4-5 tháng.
Trước thực tế trên, Hiệp hội Taxi Hà Nội kiến nghị không nên coi taxi là thủ phạm chính, là phương tiện cá nhân cần phải ngăn cấm và hạn chế. Việc đưa ra định kiến chưa có cơ sở khoa học, sẽ gây nhiều khó khăn cho các DN hoạt động trong lĩnh vực vận chuyển khách công cộng bằng taxi và người tiêu dùng. Nếu hạn chế hoặc thiếu định hướng phát triển, sẽ làm cho người tiêu dùng phải trả giá cước cao hơn cho dịch vụ này và sẽ làm cho số lượng xe ôtô cá nhân tiếp tục tăng.
Không nên cấm taxi cả 2 chiều
Về những kiến nghị cụ thể, Hiệp hội Taxi Hà Nội kiến nghị không nên phân vùng hoạt động taxi, do đặc thù taxi là loại hình vận tải hành khách công cộng có lịch trình và hành trình theo yêu cầu của khách hàng. Việc phân vùng hoạt động theo 3 vành đai gây ra sự mất bình đẳng trong kinh doanh, tạo cơ chế độc quyền cho một số đơn vị và gây khó khăn cho một số đơn vị khác.
Về màu sơn thống nhất cho toàn bộ taxi của các hãng là điều không nên làm, khi các đơn vị cạnh tranh bằng thương hiệu của từng doanh nghiệp. Khách hàng nhận biết các hãng qua biểu trưng lôgô, số điện thoại... Nếu thực hiện như vậy sẽ gây khó khăn cho khách hàng khi đi xe, vì không nhớ được hãng khi phát sinh khiếu nại như quên đồ, lái xe có hành vi không đúng...
Về việc đồng hồ tự in hoá đơn - theo Hiệp hội Taxi Hà Nội - là không khả thi và khó thực hiện, vì hầu hết các khách hàng đều không có nhu cầu lấy hoá đơn khi đi một quãng đường ngắn, mà hoá đơn lại phải in quá chi tiết như mã số, mã vạch đồng hồ, số tiền phụ thu...
Ngoài ra, Hiệp hội Taxi Hà Nội cũng kiến nghị TP, Sở GTVT quy định một số tuyến phố hẹp có thể cắm biển đỗ ngày chẵn, ngày lẻ để các phương tiện có thể dừng, đỗ đúng quy định. Do đặc thù hoạt động của taxi, nên đề nghị xem xét đối với một số tuyến đường có biển cấm dừng, cấm đỗ được phép dừng đón, trả khách trong phạm vi 3 phút.
Bên cạnh đó, điều chỉnh thời gian cấm một số tuyến phố, buổi sáng từ 7-9h; buổi chiều từ 17-19h. Chỉ cấm 1 chiều cho một tuyến phố chứ không nên cấm cả 2 chiều như hiện nay, để đảm bảo khách hàng vẫn có thể nhận được sự phục vụ của các hãng...
(Theo Laodong)