Vượt hơn 50 km, chúng tôi đến với Đường Lâm vào một chiều mưa, cánh cổng làng cũ kỹ cùng cây đa có hơn 300 tuổi bên con đường làng nhỏ bé đã hiện ra trước mắt.
Vượt hơn 50 km, chúng tôi đến với Đường Lâm vào một chiều mưa, cánh cổng làng cũ kỹ cùng cây đa có hơn 300 tuổi bên con đường làng nhỏ bé đã hiện ra trước mắt.
Đi qua cánh cổng làng, chúng tôi có một cảm nhận như bước vào một ngôi nhà lớn, tiếng gió xào xạc thổi vào những tán đa bỗng chợt vang lên như những lời tâm tình muốn ngỏ đối với những du khách chưa một lần đặt chân đến ngôi làng cổ về những câu chuyện buồn vui, những thay đổi…mà bất cứ ai khi đến hay khi đi phải qua đây.
Những ngôi nhà cổ có niên đại hàng trăm năm bắt đầu hiện ra trước mắt chúng tôi, đó chính là những ngôi nhà gỗ với tường xây bằng đá ong, nằm trong các khuôn viên có tường bao cũng bằng đá ong và đường làng lát gạch nghiêng chạy giữa những bức tường cổ...
Đình làng Mông Phụ cổ kính với những tán phượng già nua toả bóng xuống sân đình cũng khiến bất kể ai đó có một tâm hồn thơ văn cũng có thể tưởng tưởng ra đó như thể những vết nhăn trên khuôn mặt của một cụ già nào đó.
Cơn mưa chiều bất chợt đã khiến ngôi làng cổ thêm cổ hơn…trú mưa tại quán nước bên cổng đình Mông Phụ, đỡ chén chè xanh từ tay bà cụ…một không gian yên lặng của một làng quê trong cơn mưa nhỏ, lắng nghe tiếng những giọt mưa rơi xuống mái ngói cổ. Từng giọt, từng giọt rơi xuống sân đình…xa xa những phụ nữ đội nón, khoác áo mưa…chiếc xe bò kéo khiến tôi nhớ về thời thơ ấu…không gian như chậm lại ở Đường Lâm.
Đến Đường Lâm, ta ngỡ ngàng trước một làng cổ còn lưu giữ những sắc màu thời gian với một thế giới ẩn chứa nhiều điều bí ẩn dần được hé mở. Giữa vòng xoáy hối hả của thời hiện đại bên ngoài, Đường Lâm lặng lẽ khép mình vào một góc tưởng chừng bị quên lãng.
Và chiều mưa, làng cổ Đường Lâm càng trở nên huyền ảo, đẹp thanh bình như thời xưa, xa lắc...
(Theo Vnmedia)