Trong cơn lốc thị trường, người làng Đông Hồ ngày nay không còn mặn mà với nghề làm tranh mà hầu hết chuyển hẳn sang làm vàng mã.
Người dân trong và ngoài nước biết đến làng Đông Hồ nổi danh với nghệ thuật tranh dân gian như tranh hứng dừa, đám cưới chuột, đánh ghen... Trong cơn lốc thị trường, người làng Đông Hồ ngày nay không còn mặn mà với nghề làm tranh mà hầu hết chuyển hẳn sang làm vàng mã.
Số người còn gắn với dòng tranh đậm bản sắc dân tộc này chỉ còn lại rất ít, phần vì nghề truyền thống của gia đình, phần vì đã quá đắm đuối, đam mê với nghề.
Hết thời, chuyển làm tranh sang vàng mã
Làng Đông Hồ (Song Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh) nằm ven sông Đuống, cách Hà Nội khoảng 40 km về phía Đông. Tranh Đông Hồ gắn liền với văn hóa người Việt từ con gà, con trâu, con lợn, con chuột đến các trò chơi dân gian như đánh đu, đấu vật, bịt mắt bắt dê.
"Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong/ Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp". Chỉ cần hai câu thơ trong bài “Bên kia sông Đuống” của nhà thơ Hoàng Cầm đã toát lên cái hồn dân tộc trong nghệ thuật tranh dân gian Đông Hồ. Không bằng những họa tiết, đường nét cầu kì mà những nét vẽ trong tranh toát nên vẻ giản dị, trong sáng, mộc mạc đậm chất dân gian người Việt.
Song, trước nhu cầu thực tế của thị trường, người dân làng Đông Hồ hầu như đã chuyển hẳn từ làm tranh sang làm vàng mã. Bác Nguyễn Đăng Thiệu, trưởng thôn Đông Hồ bộc bạch: "Cũng biết phải gác bếp, phải xếp xó các bản in tranh là rất buồn, và cảm thấy có phần lỗi với các cụ, nhưng biết làm sao khi mà làm tranh ra mà không có người mua. Do vậy, để đảm bảo cuộc sống, mọi người trong làng phải chuyển hẳn sang nghề làm vàng mã chứ trông vào mấy sào lúa thì chết đói. Bây giờ chỉ còn duy nhất hai nghệ nhân trong làng duy trì nghề làm tranh, còn cả làng chuyển sang làm vàng mã hết rồi".
Thực ra làm tranh và làm vàng mã của làng đã cùng tồn tại bao đời nay rồi. Trước kia vào dịp Tết thì tập trung vào làm tranh, lúc nông nhàn thì làm vàng mã. Công việc cứ đều đều như thế cả năm, nhưng nay kinh tế phát triển hơn nhiều, phú quý sinh lễ nghĩa, người ta có nhu cầu đốt vàng mã nhiều và thường xuyên hơn mua tranh. Vào các dịp như rằm tháng bảy, Tết ông Công ông Táo, Tết Nguyên đán... làm vàng mã bận rộn hơn hẳn. Ngày thường đã làm đến 8-9h tối, còn vào dịp như chuẩn bị cúng Tết ông Công ông Táo, dịp đặc biệt có hôm làm đến 1-2h đêm.
"Cũng nhờ nghề vàng mã phát triển, đời sống người làng Đông Hồ đã thay đổi hẳn. Những ngôi nhà tranh vách đất cũ kỹ được thay bằng các ngôi nhà cao tầng hiện đại. Nghề vàng mã tạo công ăn việc làm đáng kể cho mọi người, từ người già đến trẻ con đều có thể tham gia sản xuất, tận dụng mọi lúc rảnh rỗi. Kinh tế của người làng khấm khá hơn hẳn", bác Thiệu vui mừng cho biết.
Tấp vào một ngôi nhà khá khang trang, vợ chồng chị Thúy đang tất bật, luôn tay đóng gói sản phẩm quần áo âm phủ để chồng chị đi giao hàng cho kịp. Chị Thúy cho biết, công việc làm vàng mã thật sự thuận lợi được khoảng 5 năm trở lại đây. Mỗi nhà làm chuyên một loại sản phẩm, như quần áo, mũ mão, giày dép... làm đến đâu bán hết đến đó.
Chị Thúy tâm sự, chị cũng là một giáo viên đang dạy tại một trường cấp hai, nhưng lương giáo viên không đủ sống. Ngoài giờ lên lớp, thời gian còn lại ở nhà chị làm vàng mã để đảm bảo cuộc sống và trang trải việc học hành cho hai đứa con nhỏ. “Bây giờ chi tiêu sinh hoạt, ăn uống, học hành của các cháu cao lắm, không làm thì chết đói”, chị Thúy tâm sự. Khi được hỏi sao vợ chồng anh chị không làm tranh khi ngày Tết đang cận kề, chị bảo, nếu làm tranh mà đông người mua, thu nhập đảm bảo thì vợ chồng chị và cả làng này cũng làm rồi, nhưng làm ra không bán được, chỉ còn nước nhìn nhau mà khóc.
Không chỉ những người trẻ tuổi làng Đông Hồ mà ngay cả các ông bà trên 70 tuổi cũng bỏ làm nghề truyền thống chuyển sang làm vàng mã. ông bà Xuất, 73 tuổi, đang cắm cúi dán mã lầu (biệt thự hàng mã - PV) chia sẻ: "Bây giờ làm tranh ra chỉ có người nước ngoài mua, hơn nữa phải có các mối quan hệ mới bán được. Ít người làm tranh còn bán được chứ nhiều người cùng làm không biết bán cho ai, hơn nữa nhiều người chuyển sang treo tranh Trung Quốc vừa rẻ vừa đẹp. Còn làm vàng mã thì công việc ổn định quanh năm, vào dịp này làm mũ ông Công, ông Táo không đủ bán".
Ước mơ có chợ bán tranh
Trước cơn lốc của thời kinh tế thị trường, người người, nhà nhà làng Đông Hồ đồng loạt chuyển nghề từ làm tranh sang làm vàng mã. Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn những con người kiên trì ngày đêm thổi hồn vào những bức tranh đời thường, giản dị, mộc mạc của người Việt. Mỗi bức tranh lại chất chứa một ý nghĩa sâu xa, thâm thúy mà dí dỏm, sinh động như chính cuộc sống vậy. Có lẽ vì thế, người đã trót mê loại tranh này rồi khó có thể dứt ra được.
Khi hỏi bất kỳ một người dân xã Song Hồ không ai là không biết hai nghệ nhân làng Đông Hồ nổi tiếng còn gắn bó với dòng tranh dân gian thuần Việt này. Đó là nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam và nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế.
Nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam, 82 tuổi vui mừng chia sẻ: "Ngay từ nhỏ, tôi đã đam mê và yêu tranh Đông Hồ. Trải qua biết bao thăng trầm, bể dâu của cuộc sống, đến ngày nay gia đình tôi vẫn tiếp tục gìn giữ và phát triển được nghề truyền thống, coi như tâm nguyện của tôi đã hoàn thành. Đến nay, gia đình đã có ba thế hệ cùng làm tranh".
Tre già măng mọc, anh Quả (con trai ông Sam) hiện đang kế tục và phát triển nghề làm tranh của gia đình. Ông Sam cho biết, trước kia ông phải thuyết phục anh Quả mới đồng ý tiếp tục theo nghề. Lúc đầu còn lưỡng lự, song vì tình yêu của ông đối với nghề khiến anh cũng phần nào hiểu được tâm tư nguyện vọng của bố. Đến bây giờ anh rất yêu và đam mê công việc làm tranh.
"Ở Đông Hồ bây giờ ít người làm tranh, chỉ có nhà tôi và nhà ông Chế (Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế) nên tranh cũng bán được. Hơn nữa, nhiều người vẫn thích chơi và treo tranh Đông Hồ, thỉnh thoảng du khách nước ngoài sang tìm mua. Bởi vậy, thu nhập cũng tạm ổn khiến những người đam mê với nghề như chúng tôi có thêm động lực tiếp tục gìn giữ và phát triển nghệ thuật tranh dân gian truyền thống này", nghệ nhân Sam trải lòng.
Trở lại câu chuyện tranh Đông Hồ, ông Sam hồ hởi khoe, thỉnh thoảng gia đình ông cũng đón những tốp học sinh của các trường quan tâm và yêu thích nghệ thuật tranh Đông Hồ đến tham quan. Ông lại nhiệt tình giới thiệu và giải thích ý nghĩa sâu xa của từng bức tranh cho các cháu. Nghệ nhân 82 tuổi chỉ vào bức tranh "Em bé ôm gà" (hay gọi là bức Vinh hoa) được treo ngay ngắn trên tường giải thích. Bức tranh thể hiện ước vọng về một cuộc sống ấm no hạnh phúc với đầy đủ đức tính của người Việt văn, vũ, đức, trí, tín, khắc họa ý nghĩa đời thường, dung dị mà không kém phần kịch tính.
Khác với nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế dành cả một khu đất rộng, nhà cửa khang trang cho việc sản xuất và trưng bày tranh. Ông trăn trở: "Trước Cánh mạng tháng Tám, không ai bảo ai có khoảng 150 hộ gia đình bắt đầu bán tranh tại đình làng vào ngày mùng 1 tháng Chạp (mùng 1 tháng 12 âm lịch) hàng năm, cách 6 ngày lại có một phiên. Giờ chợ không còn nữa. ước mơ cuối đời của tôi là làm thế nào mở lại chợ bán tranh như ngày xưa để mọi người cùng mua tranh về treo đón Tết, nhưng xem ra điều đó rất khó vì người làng chuyển hết sang làm vàng mã rồi".
(Theo Người Đưa Tin)