Các tổ công tác với người dẫn đầu là Phó Chủ tịch huyện/quận được phép điều động người đi kiểm tra và xử lý tình trạng xây dựng sai phép, không phép đang diễn biến ngày càng phức tạp trên địa bàn TP.HCM.
Chiều ngày 25/10 vừa qua, tại buổi làm việc về đẩy mạnh công tác quản lý trật tự xây dựng, ông Lê Hòa Bình, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, đây là bước để chuyển Đội thanh tra địa bàn thuộc Sở Xây dựng thành Đội quản lý trật tự đô thị xây dựng thuộc UBND huyện, quận theo Đề án mà TP đã trình lên Thủ tướng Chính phủ.
Từ năm 2007, theo Quyết định 89 của Thủ tướng Chính phủ, TP.HCM đã từng thành lập lực lượng Thanh tra xây dựng. Lực lượng này trực thuộc UBND các phường, xã, huyện, quận. Nhờ đó, tình trạng xây dựng sai phép, không phép trên địa bàn được kéo giảm đáng kể.
Vậy nhưng, theo Nghị định 26 mà Chính phủ ban hành năm 2013, thanh tra xây dựng chỉ gồm hai cấp là Thanh tra Sở và Thanh tra Bộ. Do đó, TP.HCM phải sắp xếp lại thanh tra xây dựng, trực thuộc Thanh tra Sở Xây dựng gồm hơn 1.000 biên chế. Còn ở cấp phường, quận chỉ còn Đội trật tự đô thị phụ trách trật tự vỉa hè, lòng đường.
Điều này tạo khoảng trống trong phối hợp giữa chính quyền địa phương và Sở Xây dựng. Tình trạng xây dựng trái phép trên địa bàn TP.HCM ngày càng trở nên phức tạp một phần do khoảng trống này. Thế nên, chính quyền TP đã xin ý kiến Thủ tướng cho thí điểm lập lại Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND huyện, quận giống như mô hình từng lập trước đây.
|
Ông Lê Hòa Bình, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM phát biểu tại buổi làm việc liên quan tới trật tự xây dựng trên địa bàn TP. (Ảnh: Trung Sơn) |
Theo đó, một Phó Chủ tịch UBND huyện, quận sẽ làm tổ trưởng Tổ công tác, trong khi Phó chánh Thanh tra Sở Xây dựng là Tổ phó. Tổ trưởng sẽ có trách nhiệm chỉ đạo, phân công các thành viên của tổ trong việc quản lý trật tự xây dựng.
Trên địa bàn TP.HCM, ngoại trừ công trình an ninh, quốc phòng, công trình bí mật Nhà nước thì tất cả công trình xây dựng sẽ được giám sát, kiểm tra từ khi khởi công tới lúc hoàn thiện, đưa vào sử dụng. Như vậy, địa phương sẽ phát hiện, ngăn chặn kịp thời, xử lý triệt để ngay từ khi mới phát sinh đối với mọi hành vi vi phạm hành chính.
Trách nhiệm của UBND cấp xã là kiểm tra và xử lý những công trình xây trên đất không được phép, công trình không có giấy phép, công trình lấn chiếm hành lang bảo vệ rạch, kênh, sông... Nhiệm vụ của Tổ công tác là kiểm tra, xử lý những công trình nhà ở riêng lẻ và công trình được cấp phép bởi UBND cấp huyện, dự án nhà ở có tổng diện tích sàn dưới 500m2, quy mô dưới 7 tầng...
Trách nhiệm của Thanh tra Sở Xây dựng là xử lý công trình được cấp phép/thẩm định, phê duyệt bởi Sở Xây dựng; công trình được miễn giấy phép xây dựng; công trình được duyệt bởi Bộ, cơ quan ngang bộ, sở chuyên ngành...
Thời gian qua, tại các khu vực đô thị hóa nhanh như Thủ Đức, Bình Tân, Bình Chánh... tình trạng xây dựng trái phép diễn ra vô cùng nghiêm trọng. Thành ủy TP.HCM hồi tháng 7/2019 đã ban hành chỉ thị yêu cầu lãnh đạo 24 huyện, quận xử lý nghiêm tình trạng xây dựng trái phép. So với trước, vi phạm đã giảm gần một nửa sau 3 tháng triển khai thực hiện.