Sau một thời gian hoãn lại, sáng nay (20-11), Lễ hội Long Biên 2010 đã chính thức khai mạc. Cầu Long Biên đã chứng kiến bao thăng trầm của Hà Nội và trở thành một biểu tượng không thể tách rời của Thủ đô.
Sau một thời gian hoãn lại, sáng nay (20-11), Lễ hội Long Biên 2010 đã chính thức khai mạc. Cầu Long Biên đã chứng kiến bao thăng trầm của Hà Nội và trở thành một biểu tượng không thể tách rời của Thủ đô.
Đây là lần thứ 2 lễ hội được tổ chức tại cầu Long Biên trong 2 ngày 20 và 21/11. Festival lấy tâm điểm là cầu Long Biên và sử dụng hình thức không gian nghệ thuật mở. Phần cầu phía Hoàn Kiếm được trang trí tựa hình một đầu rồng lớn. Phần mất nhịp ở giữa cầu được dành để treo cờ của các quốc gia.
Festival tập trung phản ánh ba chủ điểm chính là Cây cầu Ký ức - Cây cầu Ước mơ - Bạn bè Quốc tế với Thăng Long - Hà Nội.
“Cây cầu ký ức” (chiều đi - từ Hoàn Kiếm sang Gia Lâm) giới thiệu khái quát lịch sử dân tộc theo phân kỳ lịch sử (từ thời tiền Thăng Long và 10 thế kỷ) thông qua tranh, ảnh, tư liệu tổng hợp và trang phục cổ được chọn lọc trưng bày theo niên đại cụ thể.
Với chủ đề “Cầu Rồng kể chuyện Thăng Long – Hà Nội”, hàng loạt các chương trình nghệ thuật đặc sắc đã được dàn xếp công phu. Những câu chuyện thần thoại, cổ tích với các nhân vật lịch sử như Lạc Long Quân – Âu Cơ, Sơn Tinh, Thủy Tinh, Thánh Gióng, Thạch Sanh, Tấm Cám,… đã được tái hiện trong lễ khai mạc.
Đặc biệt, nhiều chương trình như lễ diễu hành đi xe đạp “vì một hành tinh xanh”, đêm nhạc Trẻ do ban nhạc Rhapsody Philharmonic, nhóm nhạc sĩ nhạc viện âm nhạc quốc gia, hoạt động chụp ảnh do nhóm Art for life và các nhiếp ảnh gia được tổ chức với mục đích gây quỹ ủng hộ đồng bào bão lũ miền Trung. Các hoạt động Triển lãm tranh ước mơ của trể em khuyết tật và nạn nhân chất độc da cam, đi bộ vì hòa bình, lễ hội thả chim vì hòa bình và cử quốc tế ca dưới có Đại sứ quán của 69 quốc gia tham dự.
Trong trang phục váy áo nâu của người phụ nữ ngày xưa, Nông Thị Thu Huyền (trường Đại học Văn hóa), chia sẻ: “Được trực tiếp đóng góp vào lễ hội, mình cảm thấy ý thức hơn về trách nhiệm của bản thân, của giới trẻ. Đó là ý thức về sự cống hiến để gìn giữ cây cầu Long Biên cũng những giá trị lịch sử của đất nước. Nếu chỉ là người xem bình thường có lẽ mình sẽ không cảm thấy rõ ràng về điều ấy…”.
Một người dân sống ở phường Yên Phụ bày tỏ triển lãm giúp người dân hiểu hơn lịch sử của Thăng Long – Hà Nội, “Mới thấy Hà Nội qua mỗi thời thay đổi chóng vánh thế nào. Hà Nội phát triển và có nhiều tiến bộ…”.
Một du khách đến từ Luân-đôn, Anh, ông Edward rạng rỡ nói với tôi ông rất thích Lễ hội này. Qua nó, ông hiểu được Hà Nội, và thêm yêu Việt Nam, dù ông mới tới Việt Nam được hai ngày. Edward thích thú chụp ảnh những người đứng ghi ý kiến đánh giá về Lễ hội.
Lễ hội cũng đọng lại trong lòng người dân thủ đô, những du khách phương xa một kỉ niệm để lưu lại cho thế hệ sau kí ức của một Thăng Long – Hà Nội ngàn năm tuổi.
Vũ Thị Quỳnh