Hơn 15 năm phê duyệt quy hoạch bảo tồn phố cổ Hà Nội, cho đến nay dự án vẫn đang dậm chân tại chỗ.
Hơn 15 năm phê duyệt quy hoạch bảo tồn phố cổ Hà Nội, cho đến nay dự án vẫn đang dậm chân tại chỗ.
Đó là ý kiến chia sẻ của Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc thành phố Hà Nội, tại hội thảo quốc tế: “Chia sẻ kinh nghiệm về việc trùng tu các phố cổ: Genova và Hà Nội” vừa diễn ra mới đây.
Từ những năm 1990, Việt Nam đã đặt vấn đề bảo tồn phố cổ. Đến năm 1995, chính phủ đã chính thức phê duyệt quy hoạch bảo tồn khu phố cổ Hà Nội. Lúc đó, chỉ có 24 di tích cần bảo tồn, nhưng đến 2008 con số này đã lên tới 104 và năm 2009 vừa qua, con số thống kê đã là 121 di tích.
Vấn đề cấp bách hiện nay của phố cổ Hà Nội là mật độ dân số đã lên tới 84.000 người/km2 (trong khi mật độ trung bình ở đô thị là 1.900 người/km2). UBND thành phố Hà Nội đã có kế hoạch giãn dân qua hai khu đô thị mới là Việt Hưng và Ngọc Thụy. Mặc dù vậy, trong 10 năm vẫn không thể giãn dân được.
Trong khi đó, thành phố Genova của Italy chỉ mất 20 năm để trùng tu, phục dựng và tập trung thực hiện chỉ trong khoảng thời gian từ năm 1999 đến 2004. Bắt đầu từ sau chiến tranh thế giới thứ 2, các giải pháp tu bổ thành phố cổ này đã được đặt ra. Năm 2006, UNESCO đã chính thức công nhận Genova là di sản văn hóa thế giới.
Kiến trúc sư Giorgio Parodi, Chủ tịch Hội kiến trúc sư thành phố Genova chia sẻ kinh nghiệm: “Phố cổ của Genova quan trọng không chỉ bởi những cái nhà riêng lẻ mà bởi nó còn là bằng chứng lịch sử mà một người có thể qua đấy hiểu được những mốc lịch sử quan trọng nhất. Chính vì vậy việc quan trọng là không đập bỏ những công trình lịch sử.”
Không bảo tồn toàn bộ cả thành phố, chính quyền này chỉ chọn ra có 48 công trình cổ có giá trị nhất đưa vào danh sách đặc biệt. Số còn lại tùy theo giá trị kiến trúc mà có những biện pháp hỗ trợ khác nhau.
Chia sẻ kinh nghiệm bảo tồn phố cổ, ông Giorgio Parodi nhấn mạnh, chìa khóa cho sự thành công của Genova chính là sự ủng hộ tích cực của người dân Có những con phố, người dân tự bỏ tiền ra tu bổ, bởi họ nhận thức được rằng, việc bảo tồn này mang lại lợi ích cho họ thông qua phát triển du lịch.
Genova đã thực sự trở thành một bảo tàng sống bởi vẫn bảo đảm được cuộc sống cho người dân, các nghề thủ công truyền thống, các quán bar vẫn hoạt động trong lòng phố cổ.
Để bảo tồn được không gian, ông Parodi chia sẻ kinh nghiệm: “Cần xây dựng những khu đi bộ để đảm bảo phát triển giao thông. Cải tạo lại giao thông thì lúc đó những cá nhân sẽ có ý thức tham gia vào việc bảo tồn hơn”.
Theo TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm, cái thiếu ở Việt Nam đó là chưa huy động được sự tham gia của người dân. Vai trò của cộng đồng là rất lớn, nó có sức hút lớn, tạo nên phần cơ thể sống của phố cổ, phần cơ thể này nó sống khỏe hơn khi nó gắn với phố cổ. Một vấn đề đặt ra trong quá trình cải tạo, cần phải có tiêu chí, nhà nào là di sản, nhà nào không để từ đó có những bước hỗ trợ kinh phí tu bổ.
Cũng đồng quan điểm trên, bà Phạm Quỳnh Hoa, giảng viên Khoa kiến trúc và Quy hoạch trường Đại học Xây dựng cho biết: “Hiện nay, tôi thấy tiềm lực của người dân ở khu phố cổ rất lớn. Họ có khả năng tài chính và nguồn lực để tham gia vào việc bảo tồn. Tuy nhiên, chúng ta chưa có chính sách rõ ràng khuyến khích để họ phục vụ cho mục đích bảo tồn. Ngay như việc giãn dân phố cố, chúng ta cũng chỉ có thể giãn được một phần, còn lại đa số vẫn muốn sống ở khu vực này.”
Ý kiến của KTS Nguyễn Tấn Vạn - Chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam, để bảo tồn phố cổ Hà Nội cần xem xét cả 3 yếu tố : giá trị lịch sử - giá trị kiến trúc - giá trị sử dụng... và cần đặc biệt chú trọng bảo vệ không gian của phố cổ chứ không nên chỉ quan tâm đến từng ngôi nhà cụ thể...
Bảo tồn kiến trúc phố cổ và ổn định đời sống của người dân luôn là một vấn đề mà các nhà quản lý đau đầu. Cho đến nay, đã có nhiều dự án, quy hoạch về khu phố cổ này được xây dựng nhưng tất cả chỉ dừng trên giấy. Việc tu bổ, tôn tạo phố cổ Hà Nội vẫn thiếu một hành lang pháp lý.
Duy Khánh