Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết quan điểm của bộ là sẽ
nới lỏng các quy định để kiều bào và người nước ngoài dễ dàng mua nhà
tại Việt Nam trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết quan điểm của bộ là sẽ nới lỏng các quy định để kiều bào và người nước ngoài dễ dàng mua nhà tại Việt Nam trong thời gian tới.
Ông Nam cho biết quan điểm trên tại hội nghị tổng kết thi hành Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Nghị quyết số 19/2008/QH12 của Quốc hội, được tổ chức ngày 16-5 tại TPHCM.
Chưa nhiều người mua
Số lượng Việt kiều và người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam có tăng lên sau tám năm triển khai Luật Nhà ở và năm năm thực thi chính sách cho tổ chức cá nhân nước ngoài mua nhà tại Việt Nam. Song, số lượng còn hạn chế.
Xu hướng sửa đổi luật pháp sắp tới đang được kỳ vọng sẽ thông thoáng hơn cho các đối tượng này mua nhà, góp phần tăng tính thanh khoản cho thị trường bất động sản còn khó khăn như hiện nay
Thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, đến đầu tháng 5-2013, cả nước có 489 căn nhà và căn hộ thuộc sở hữu của cá nhân nước ngoài (106 căn) và người Việt Nam định cư ở nước ngoài (383 căn).
Theo đó có 16 tỉnh, thành trên cả nước cấp quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà cho người Việt Nam ở nước ngoài và cá nhân nước ngoài. Cụ thể, TPHCM có 376 trường hợp; Bình Dương 27 trường hợp; Bình Thuận 18 trường hợp; Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu mỗi địa phương có 8 trường hợp; Tiền Giang, Hà Nội mỗi địa phương có 6 trường hợp; Khánh Hòa, Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp mỗi địa phương có 4 trường hợp; Hải Phòng, Đà Nẵng, Long An mỗi địa phương có hai trường hợp; Đồng Nai, Phú Yên mỗi địa phương có một trường hợp.
Cá nhân nước ngoài sở hữu nhà đất tại Việt Nam đến từ các nước và vùng lãnh thổ rất đa dạng, như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Đức, Cu Ba, Đài Loan…
Tuy nhiên, theo Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản thuộc Bộ Xây dựng, số cá nhân nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam chưa nhiều vì quy định pháp luật của Việt Nam quá khắt khe.
"106 hồ sơ người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam là con số khiêm tốn trong tổng số hơn 80.000 người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam hiện nay", ông Đào Trung Chính, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên Môi trường nói.
Luật sẽ thoáng hơn
Theo quy định hiện hành, chỉ có các đối tượng sau mới được mua và sở hữu nhà:
(i) Cá nhân nước ngoài có đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về đầu tư hoặc được doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thuê giữ chức danh quản lý trong doanh nghiệp đó;
(ii) Cá nhân nước ngoài có công đóng góp cho Việt Nam được Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng thưởng Huân chương, Huy chương; cá nhân nước ngoài có đóng góp đặc biệt cho Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ quyết định;
(iii) Cá nhân nước ngoài đang làm việc trong lĩnh vực kinh tế - xã hội có trình độ đại học hoặc tương đương trở lên và người có kiến thức, kỹ năng đặc biệt mà Việt Nam có nhu cầu;
(iv) Cá nhân nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam;
(v) Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam theo pháp luật về đầu tư không có chức năng kinh doanh bất động sản, có nhu cầu về nhà ở cho những người đang làm việc tại doanh nghiệp đó ở.
Và điều kiện để được mua và sở hữu nhà được cho là rất khó khăn, cụ thể: cá nhân nước ngoài quy định tại điểm (i), (ii), (iii), (iv) nói trên phải đang sinh sống tại Việt Nam, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cho phép cư trú tại Việt Nam từ một năm trở lên và không thuộc diện được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam; trường hợp doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài quy định tại điểm (v) nói trên phải có giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy tờ chứng nhận hoạt động đầu tư tương ứng với hình thức đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp.
Dù trên thực tế, từ khi nền kinh tế mở cửa thị trường, thu hút đầu tư nước ngoài thì người nước ngoài đã gián tiếp sở hữu đất đai. Có thể lấy ví dụ: nhà đầu tư nước ngoài được quyền mua 49% cổ phần tại một công ty có các tài sản địa ốc, tức nhà đầu tư này đã gián tiếp sở hữu các tài sản địa ốc được cấp sổ đỏ của công ty đó.
Cũng có ý kiến cho rằng tại sao lại quan ngại (đưa ra các điều kiện khắt khe) trong việc cấp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà cho cá nhân nước ngoài? Trong khi sau khi được cấp sổ đỏ, các cá nhân người nước ngoài cũng đâu thể mang tài sản chủ quyền của mình đi qua đất nước khác, nếu họ không bán lại tài sản?
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Danh, Phó giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, cho rằng quy định về điều kiện sở hữu nhà của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức và cá nhân nước ngoài còn cứng nhắc, nhiêu khê như hiện nay đã hạn chế và gây ra tâm lý lo ngại cho các đối tượng này.
Bộ Xây dựng cho biết sẽ đề xuất sửa đổi các quy định theo hướng thông thoáng hơn, theo đó sẽ cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây dựng nhà ở như những người trong nước.
Trong khi đó, đối với tổ chức cá nhân nước ngoài được mở rộng điều kiện sở hữu nhà, loại nhà sở hữu từ căn hộ đến nhà riêng lẻ.
Bộ Xây dựng cũng đề xuất sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản, theo hướng sẽ cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thuê để cho thuê lại bất động sản, được mua và sở hữu diện tích văn phòng làm việc của doanh nghiệp mình
Theo thesaigontimes