Tại phiên họp thứ 21, chiều 23/9, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến về Dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi).
Để khắc phục hạn chế của Luật Xây dựng, trong lần sửa đổi này Bộ Xây dựng sẽ bổ sung thêm nhiều điều khoản mới như điều chỉnh hoạt động đầu tư xây dựng; tăng cường kiểm soát, quản lý chất lượng xây dựng; đổi mới cơ chế quản lý nhà nước về chi phí đầu tư xây dựng.
Tại phiên họp thứ 21, chiều 23/9, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến về Dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi).
Theo đánh giá của Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Xây dựng 2003 đã bộc lộ những mặt hạn chế, chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của nước ta giai đoạn hiện nay. Hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước trong đầu tư xây dựng còn bất cập, yếu kém. Luật xây dựng (2003) còn thiếu quy định cụ thể về thẩm quyền và phương thức quản lý dự án phù hợp với các loại nguồn vốn khác nhau dẫn đến những tồn tại, bất cập trong xác định chủ trương đầu tư, hiệu quả cũng như tiến độ, chi phí thực hiện dự án. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, hiệu quả đầu tư thấp…
Bên cạnh đó, Luật Xây dựng (2003) còn bộc lộ những hạn chế như: Quá trình đẩy mạnh phân cấp quản lý đầu tư xây dựng được thể hiện trong các quy định về phân cấp quyết định đầu tư, phân quyền đối với chủ đầu tư chưa phù hợp với năng lực quản lý và thiếu các cơ chế kiểm tra, giám sát cần thiết; Công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng có ý nghĩa quyết định đối với tính khả thi và hiệu quả dự án, trong đó việc lập và kiểm soát đối với thiết kế cơ sở là nội dung cốt lõi của các dự án đầu tư có xây dựng.
Tuy nhiên, pháp luật hiện hành về xây dựng chưa coi trọng vai trò của cơ quan chuyên môn trong việc thẩm định các nội dung của thiết kế cơ sở. Bên cạnh đó, vai trò của cơ quan chuyên môn về xây dựng chưa được cụ thể hóa trong các quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng từ khâu khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng, nghiệm thu và bàn giao, bảo hành, bảo trì công trình; Việc khắc phục những trùng lắp, mâu thuẫn, chồng chéo trong quy định của Luật Xây dựng (2003) với các quy định của Luật có kiên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng là vấn đề cấp thiết nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu lực trong thực thi pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi để cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng….
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, Luật xây dựng (sửa đổi) gồm 10 chương, 150 điều, tăng thêm 01 chương , 27 điều so với Luật Xây dựng (2003). Trong đó, đáng chú ý là Dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi) được bổ sung một số điểm mới như: Điều chỉnh hoạt động đầu tư xây dựng, đảm bảo cho các hoạt động đầu tư xây dựng được thực hiện theo quy hoạch và kế hoạch, và được kiểm soát chặt chẽ trên cơ sở tăng cường vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng đối với toàn bộ quá trình đầu tư xây dựng; kết hợp với việc xác lập quan hệ bình đẳng, phân định rõ trách nhiệm giữa các chủ thể tham gia nhằm nâng cao chất lượng xây dựng, khắc phục tình trạng thất thoát lãng phí, hiệu quả thấp, đồng thời tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng…
Một điểm mới nữa của Dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi) là tăng cường kiểm soát, quản lý chất lượng xây dựng ở tất cả các khâu của quá trình đầu tư xây dựng; Thống nhất quản lý nhà nước về trật tự xây dựng thông qua việc cấp giấy phép xây dựng, đảm bảo sự bình đẳng giữa các đối tượng được xét cấp giấy phép xây dựng và công khai, minh bạch về quy trình, thủ tục cấp giấy phép xây dựng; Đổi mới cơ chế quản lý nhà nước về chi phí đầu tư xây dựng trên cơ sở quản lý chặt chẽ chi phí đầu tư từ nguồn vốn nhà nước. Đặc biệt, Dự thảo Luật xác định trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư xây dựng trên cơ sở quy định rõ nội dung quản lý nhà nước và phân công, phân cấp giữa các Bộ, ngành địa phương…
Tại phiên họp, các đại biểu đều nhất trí cho rằng: Luật Xây dựng là một luật chuyên ngành quan trọng, có liên quan đến nhiều lĩnh vực ngành nghề khác. Do đó, công tác xây dựng Luật hết sức được coi trọng. Đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật, các đại biểu cho rằng, thực tế thời gian qua, công tác quy hoạch chưa được coi trọng. Tình trạng quy hoạch treo, phá vỡ quy hoạch diễn ra phổ biến. Do đó, Luật cần khắc phục được tình trạng quy hoạch chồng lấn, quy hoạch treo, quy hoạch theo nhiệm kỳ, đảm bảo công trình đầu tư xây dựng cơ bản đạt hiệu quả.
Về vấn đề điều chỉnh giá, có đại biểu cho rằng, thời gian qua đa số xảy ra tình trạng điều chỉnh giá, có khi điều chỉnh giá còn nhanh hơn cả tốc độ tăng CPI. Do đó, trong điều kiện hiện nay thì việc thay đổi giá cần được xem xét kỹ lưỡng, tránh tình trạng chủ đầu tư kéo dài thời gian, đợi giá biến động để điều chỉnh giá, gây thất thoát lãng phí. Luật phải làm thế nào để quản lý chi phí đầu tư xây dựng là vấn đề cần được đặc biệt quan tâm. Bên cạnh đó, cần bổ sung quy định về hậu trách nhiệm của những công trình gây thảm họa nghiêm trọng và việc bảo hành, bảo trì các công trình xây dựng….
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Ban soạn thảo cần phải xác định rõ phạm vi điều chỉnh đảm bảo tính thống nhất với các luật liên quan khác, phân định rõ hoạt động đầu tư xây dựng với hoạt động xây dựng; tiếp tục bổ sung các nội dung liên quan đến điều chỉnh dự án, quản lý dự án, chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng, giá xây dựng…Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành nhiều quan điểm trong Dự thảo Luật, đề nghị ban soạn thảo tiếp thu, sổ sung đủ điều kiện để trình tại kỳ họp thứ VI Quốc hội khóa VIII.
Theo vnmedia