Nhiều hộ dân ở Thụy Khuê (Hà Nội) đang mất ăn mất ngủ. Theo phương án cải tạo mương Thụy Khuê mới (hai đầu thắt, chính giữa phình) do chủ đầu tư đề xuất, hàng trăm hộ có thể phải di dời. Nhờ đó, một khu đô thị cao cấp sẽ vươn ra mặt tiền đường Thụy Khuê.
Nhiều hộ dân ở Thụy Khuê (Hà Nội) đang mất ăn mất ngủ. Theo phương án cải tạo mương Thụy Khuê mới (hai đầu thắt, chính giữa phình) do chủ đầu tư đề xuất, hàng trăm hộ có thể phải di dời. Nhờ đó, một khu đô thị cao cấp sẽ vươn ra mặt tiền đường Thụy Khuê.
Dự án cải tạo mương Thụy Khuê (dài khoảng 3 km) được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 đã hoàn thành cống hai đầu đoạn mương với mặt cắt 5,5 m. Tháng 1/2005, UBND TP Hà Nội tiếp tục phê duyệt nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2, dự án cải tạo 1,8 km mương Thụy Khuê (đoạn từ dốc La Pho đến cống Đõ) và giao Ban quản lý dự án giao thông đô thị (thuộc Sở Giao thông công chính Hà Nội) làm chủ đầu tư.
Ngày 15/4/2006, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội đã phê duyệt chỉ giới đường đỏ cho việc cống hóa 1,8 km mương Thụy Khuê này. Theo đó, đoạn mương nói trên sẽ được cải tạo với mặt cắt là 11,5 m (trong đó 5 m là lòng mương, hai bên bờ mương mỗi bên để 3 m vỉa hè). Tuy nhiên, trong bản vẽ chỉ giới đường đỏ tuyến mương từ dốc La Pho đến cống Đõ, Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội lại để ngỏ một đoạn dài khoảng 350 m (đoạn từ số nhà 123-199, mặt phố Thụy Khuê).
Căn cứ vào chỉ giới do Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cấp, chủ đầu tư đã đề xuất phương án cống hóa tuyến mương Thụy Khuê đoạn từ cống Đõ đến dốc La Pho thành mặt cắt 11,5 m (trong đó 5m lòng mương, mỗi bên thêm 3m vỉa hè). Riêng đoạn mương từ số nhà 123-199 phố Thụy Khuê chủ đầu tư đề xuất phương án làm bãi đỗ xe, vỉa hè trồng cây xanh.
Nếu như thực hiện phương án này, toàn bộ hơn 80 hộ dân ở mặt phố Thụy Khuê dài trên 350 m sẽ phải di dời. Khi đó, khu đô thị cao cấp của Tập đoàn Tung Shing vốn nằm khuất sau lưng của 80 hộ dân sẽ đương nhiên có mặt tiền rộng hàng trăm mét nằm chính giữa đoạn đường dài 350 m mà các hộ dân phải giải tỏa.
Ông Nguyễn Đức Hiền, chủ ngôi nhà số 199 Thụy Khuê, bức xúc: “Chúng tôi không hiểu sao ở hai đầu tuyến mương người ta cống hóa có 5,5 m, đoạn giữa tuyến mương lại làm phình ra 11,5 m, đoạn giữa của giữa tuyến mương thì mở rộng hơn thành bãi đỗ xe. Phải chăng là để di dời các hộ dân chúng tôi cho khu đô thị cao cấp của Tập đoàn Tung Shing club hưởng lợi, có trọn mặt tiền rộng rãi”.
Phần lớn mặt tiền khu đô thị cao cấp Golden Westlake tại số 151 Thụy Khuê nằm khuất sau dãy nhà dân, từ phố Thụy Khuê chỉ có lối vào khu đô thị rộng hơn chục mét. Tuy nhiên từ lâu tại khu vực cổng phụ này chủ đầu tư đã cho treo một tấm panô lớn vẽ khung cảnh mặt tiền khu đô thị vươn ra phố Thụy Khuê với một bãi đỗ xe rộng mênh mông mà không hề bị nhà dân nào che chắn. Nhiều hộ dân nói cách đây hơn một năm, đại diện của Tập đoàn Tung Shing club cử người đàm phán, ngỏ ý muốn mua lại đất của hàng chục hộ dân án ngữ khu đô thị của họ với phố Thụy Khuê, tuy nhiên nhiều hộ dân không đồng ý bán.
Chủ đầu tư không biết
Ông Đặng Việt Trung, Phó giám đốc Ban quản lý dự án giao thông đô thị (Sở GTCC Hà Nội), thừa nhận nếu thực hiện cải tạo mương Thụy Khuê theo phương án trên, khu đô thị cao cấp của Tập đoàn Tung Shing club sẽ có mặt tiền rộng rãi vươn ra phố Thụy Khuê. Tuy nhiên, ông Trung chỉ trả lời rằng: “Tại sao đoạn giữa mương Thụy Khuê lại được làm phình ra thì tôi không biết vì chỉ giới đường đỏ là do Sở Quy hoạch Kiến trúc cấp. Chúng tôi chỉ là người thực hiện, căn cứ trên chỉ giới đó để đề xuất phương án”.
Ông Trung cho biết sau khi nhận được kiến nghị của người dân phố Thụy Khuê, Ban quản lý dự án giao thông đô thị đã đề nghị Sở Quy hoạch Kiến trúc cấp chỉ giới đường đỏ để đề xuất phương án hợp lý hơn, ít ảnh hưởng đến người dân nhất. “Khi nào Sở Quy hoạch Kiến trúc cấp chỉ đỏ rõ ràng, chúng tôi sẽ làm một phương án cụ thể”, ông Trung nói.
Ông Trung nói mới đây trong cuộc họp xúc tiến việc triển khai dự án cải tạo mương Thụy Khuê tại Sở Kế hoạch Đầu tư, ban quản lý dự án đã thử đề xuất phương án 2, theo đó sẽ giữ nguyên thiết kế mặt cắt mương 11,5 m trên toàn tuyến (5,5 m lòng mương, 3 m vỉa hè mỗi bên). Theo phương án 2, nhà của hơn 80 hộ dân từ số 123-199 Thụy Khuê sẽ chỉ bị cắt xén chứ không phải di dời. Ông Trung cũng cho hay theo tính toán của Sở Tài chính Hà Nội, nếu thực hiện phương án 2, tiền đầu tư cải tạo đoạn mương La Pho - cống Đõ chỉ hết 180 tỷ; còn nếu thực hiện phương án đầu sẽ mất khoảng 220 tỷ đồng.
(Theo Tuổi Trẻ)