Hầu hết đại biểu đều ủng hộ chủ trương mở rộng đối tượng Việt kiều được mua nhà tại VN, song bày tỏ lo ngại chính sách này có thể bị lợi dụng và làm méo mó thị trường bất động sản.
Hầu hết đại biểu đều ủng hộ chủ trương mở rộng đối tượng Việt kiều được mua nhà tại VN, song bày tỏ lo ngại chính sách này có thể bị lợi dụng và làm méo mó thị trường bất động sản.
Tiếp tục kỳ họp thứ 5 Quốc hội (QH) khóa XII, ngày 2-6, các đại biểu (ĐB) đã thảo luận về dự thảo luật sửa đổi, bổ sung điều 126 Luật Nhà ở và luật sửa đổi, bổ sung điều 121 Luật Đất đai. Dự thảo luật sửa đổi lần này đã bổ sung 3 nhóm đối tượng Việt kiều được mua nhà: người có quốc tịch VN, người gốc VN có chuyên môn, kỹ năng đặc biệt và người gốc VN có vợ hoặc chồng là công dân VN đang sinh sống trong nước. Theo Bộ Xây dựng, hiện có khoảng 3 triệu Việt kiều, trong đó số có nhu cầu mua nhà ở VN chiếm tỉ lệ lớn.
Tiền mua nhà phải “sạch”
ĐB KSor Phước (Gia Lai) lo ngại về sự “mở cửa” này: “Không thể xem hoàn toàn người VN ở nước ngoài như người dân trong nước, vì đơn giản nhất là họ không chịu hoàn toàn sự chi phối của pháp luật VN và không có trách nhiệm công dân với xã hội như người trong nước”. ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cũng cho rằng sự nới rộng này có thể ảnh hưởng đến thị trường nhà đất VN. Theo ông Minh, dự báo có khoảng 500.000 Việt kiều về VN mua nhà, khi đó thị trường nhà đất sẽ được quản lý và định hướng như thế nào?
ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) băn khoăn: “Có mở rộng quá không, khi chính sách pháp luật của VN còn chưa đồng bộ, trình độ quản lý còn bất cập. Mặt khác, cơ quan soạn thảo luật đã lường hết được những tác động xấu về mặt xã hội của chính sách này?”. Theo ông Vinh, nếu không có chế tài đầy đủ thì chủ trương tốt đẹp này có thể bị lợi dụng và xuất hiện một số trường hợp đầu cơ, mua đi bán lại, ảnh hưởng đến nhu cầu thực sự của người nghèo có nhu cầu nhà ở tại VN, đẩy giá lên cao và làm méo mó thị trường bất động sản. ĐB Trần Ngọc Vinh kiến nghị cần có những giải pháp thiết thực nhằm hạn chế những lo ngại vừa nêu và đẩy nhanh việc xây dựng luật thuế nhà đất để hạn chế hiện tượng đầu cơ của Việt kiều.
Để ngăn chặn đầu cơ, ĐB Nguyễn Hồng Nhị (Nghệ An) đề xuất cần quy định rõ Việt kiều phải đủ 18 tuổi, có quốc tịch VN thì mới được sở hữu một nhà ở. Ông Nhị lý giải: Quy định này sẽ tránh được trường hợp những người có quốc tịch VN nhưng lại mang theo con, cháu mang quốc tịch nước ngoài trở về nước mua nhà để đầu cơ. ĐB Trần Thị Dung (Điện Biên) bổ sung thêm: Việt kiều được mua nhà ở VN phải được xác nhận cư trú tại VN từ 3-6 tháng, mua nhà có mục đích chính đáng.
Đặc biệt, theo bà Dung, để tránh việc biến VN thành nơi rửa tiền bất hợp pháp thì nguồn tiền mua nhà phải hợp pháp. Chặt chẽ hơn, ĐB Trần Văn Tấn (Tiền Giang) đề nghị trước khi Việt kiều muốn mua nhà ở VN, các cơ quan chức năng phải xác minh rõ tài sản cũng như nguồn tiền mà họ bỏ ra mua và phải chứng thực được đó là tiền “sạch”.
Hợp thức hóa nhiều trường hợp không hợp pháp
Trong khi đó, ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) lại tỏ ra yên tâm hơn khi nhìn nhận dự luật đã đưa ra giới hạn là mua nhà để ở cho bản thân Việt kiều và gia đình, loại bỏ mục đích kinh doanh. Do vậy, sẽ không có chuyện lợi dụng để rửa tiền hay đầu cơ trục lợi. Mặt khác, theo ông Lịch, từ trước đến nay quy định không cho phép Việt kiều mua bán nhà đất nhưng trên thực tế vẫn diễn ra dưới dạng giao dịch “ngầm” - nhờ bạn bè, người thân đứng tên. “Theo tôi, luật này ra đời cũng là hợp thức hóa rất nhiều trường hợp mua không hợp pháp” – ông Lịch nói.
Liên quan đến quyền lợi của Việt kiều khi mua nhà trong nước, ông Lịch thắc mắc: “Việt kiều mua nhà ở hợp pháp mà không được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất là quá vô lý. Cần phải bổ sung thêm quyền này”. ĐB Ngô Đức Mạnh (Bình Phước) cho rằng cần phải cân nhắc thêm quy định Việt kiều được sở hữu nhà ở nhưng không có quyền góp vốn để đầu tư phát triển kinh doanh. Theo ông Mạnh, khi Việt kiều có sở hữu nhà ở thì cũng có quyền định đoạt tài sản của mình, vấn đề là sử dụng cho đúng mục đích ban đầu, tức là đầu tư để làm ăn sinh sống, đóng góp cho đất nước, không phải là mục đích khác.
(Theo NLD)