Sáng ngày 14/9, Hội thảo “Mở nút thắt cho người nước ngoài và Việt kiều mua nhà tại Việt Nam” được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Hội thảo đã thu hút nhiều chuyên gia kinh tế, các tổ chức ngoại giao và đông đảo doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản.
Việt Nam hiện có hơn 80.000 người nước ngoài đang sinh sống và làm việc và hàng chục ngàn Việt kiều thường xuyên về nước hàng năm. Đây là tiềm năng rất lớn đối với các doanh nghiệp bất động sản trong .
Đến thời điểm này, dù đã hơn 2 tháng kể từ khi Luật Nhà ở năm 2014 có hiệu lực nhưng vẫn chưa có người nước ngoài nào được cấp “sổ hồng” và sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Thủ tục hành chính tại các địa phương còn rườm rà gây trở ngại cho người dân
và doanh nghiệp nước ngoài khi làm thủ tục đầu tư, mua bán nhà tại Việt nam
Các đại biểu tham gia Hội thảo đã đưa ra nhiều hạn chế khiến người nước ngoài chưa thể tiếp cận được với thị trường bất động sản tại Việt Nam. Vướng mắc cơ bản là văn bản hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật chưa rõ ràng. Bên cạnh đó các thủ tục hành chính ở một số địa phương còn rườm rà theo cơ chế xin – cho, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp nước ngoài khi làm thủ tục đầu tư, mua bán nhà tại Việt Nam.
Các chuyên gia cũng cho rằng để tạo điều kiện cho người nước ngoài và Việt kiều mua nhà tại Việt Nam, Bộ Xây dựng cần nhanh chóng hoàn thiện để trình Chính phủ phê duyệt các nghị định, hướng dẫn thực hiện Luật Nhà ở.
Hơn nữa, các địa phương cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, công khai, minh bạch thông tin về dự án, số lượng căn hộ, điều kiện mua nhà đối với khách hàng là người nước ngoài. Chúng ta cũng nên có chính sách cụ thể trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nhà đầu tư, kiều bào và người nước ngoài khi mua nhà tại Việt Nam.
Ông Trần Hòa Phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP. Hồ Chí Minh cho biết, về tài chính thì việc quản lý ngoại hối đã có hướng dẫn của ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông Phương, để thực hiện Luật Nhà ở năm 2014, cần có những hướng dẫn cụ thể hơn về việc đưa vốn vào Việt Nam và thoái vốn ra nước ngoài.