Cuối năm thường là thời điểm tăng giá của các loại vật liệu xây dựng (VLXD) do nhu cầu sửa sang, trang trí lại nhà cửa đang bắt đầu giai đoạn cao điểm.
Cuối năm thường là thời điểm tăng giá của các loại vật liệu xây dựng (VLXD) do nhu cầu sửa sang, trang trí lại nhà cửa đang bắt đầu giai đoạn cao điểm.
Người kinh doanh VLXD bao giờ cũng mong đến cuối năm vì giá vật liệu thường tăng do nhu cầu xây dựng, nhiều công trình đẩy nhanh tiến độ hoặc đuổi theo tiến độ đã mất hồi đầu năm.
Tăng giá nhưng vẫn đắt hàng
Đang vào mùa nên không ít người tiêu dùng nhấp nhổm là giá bán lẻ một số loại vật liệu hiện nay đang có xu hướng tăng dù không đáng kể. Ở TP HCM, một số đại lý gạch ốp lát trên đường Bạch Đằng – Bình Thạnh lượng khách đặt mua hàng đã tăng gần 40%, trong đó bán chạy nhất gạch ốp tường, gạch lát sàn nhà, bồn cầu, bồn tắm, thiết bị nhà bếp, nhà tắm... Giá bán lẻ các loại bồn cầu đã được nâng lên 25.000 - 40.000 đồng/cái đối với loại có giá trên dưới 1 triệu đồng. Các sản phẩm sơn trang trí cũng hút khách không kém, nhất là các loại sơn chống thấm trong nhà và ngoài trời bán chạy hơn hẳn các dòng sản phẩm không chống thấm nên giá cũng đội lên ít nhất 5 - 7% so với tháng trước. Hiện sơn chống thấm ngoài trời Dulux “năm trong một” vừa tăng thêm 15.000 đồng/lon, giữ mức 450.000 đồng/lon loại 5 lít.
Chị Mai – Cửa hàng vật liệu xây dựng Thành Mai đường Tô Hiến Thành, Q10 cho biết: giá thép bán lẻ cũng tăng thêm 300.000-400.000 đồng/tấn so với cách đây một tuần sau khi các nhà sản xuất thép đồng loạt tăng giá bán tại nhà máy lên 300.000 đồng/tấn đối với thép cuộn và cây. Nhưng hàng vẫn không đủ bán cho khách hàng.
Riêng các vật liệu khác như ximăng, gạch tuynen, cát... cũng tăng thêm khoảng 6% do chi phí vận chuyển tăng, đẩy giá bán lẻ ximăng tăng thêm khoảng 1.500 đồng/bao, giữ mức trung bình 67.000 - 68.000 đồng/bao, gạch 850 - 900 đồng/viên, tăng 100 đồng/viên - Chị Mai nói.
Cảnh báo người tiêu dùng vì hàng kém chất lượng trà trộn
Vào thời điểm chạy đua "nước rút", số lượng các công trình xây dựng lớn, nhỏ cần hoàn thành theo đúng tiến độ tăng cao. Theo đó nhu cầu về vật liệu xây dựng cũng tăng. Lợi dụng cơ hội này, các sản phẩm vật liệu xây dựng kém chất lượng cũng dễ dàng trà trộn. Có chủ lò gạch dùng kỹ xảo phun màu để biến gạch non thành gạch già.
Nhiều xưởng tư nhân sản xuất ximăng giả bằng thủ đoạn mua ximăng thật về trộn với bột đá, rồi đóng vào vỏ bao bì thật và mang đi tiêu thụ. Về mặt hàng sắt, thép, tại nhiều xưởng sản xuất gia công ở các làng nghề, mỗi ngày đưa ra thị trường hàng chục tấn sắt, thép xây dựng kém chất lượng. Thêm vào đó, một lượng không nhỏ thép nhập lậu cũng không bảo đảm chất lượng, kém cả về độ bền, trọng lượng, kích thước so với thép nội, nhưng do giá rẻ, cho nên vẫn được nhiều đại lý đua nhau nhập hàng về và đem bán ra thị trường. Thực tế, ở nhiều địa phương, xảy ra tình trạng không ít chủ công trình, kể cả công trình lớn, do xuê xoa trong khâu chọn lựa vật liệu, cho nên đã mua phải gạch non; ximăng giả; sắt, thép rởm.
Những nguyên nhân đó đã gây ảnh hưởng lớn đến tuổi thọ công trình. Đã có những công trình khánh thành chưa lâu đã xuống cấp như: Tường bị nứt, bong tróc, cột trụ nghiêng; nền móng lún; thậm chí, có trường hợp sập nhà, mà nguyên nhân chính là do ximăng, sắt, thép rởm không bảo đảm độ kết dính bền vững. Không chỉ xuất hiện nguyên liệu, vật liệu xây dựng rởm, mà nhiều loại thiết bị trang trí nội thất khác, như gạch lát nền, sơn lăn tường, thiết bị vệ sinh, hệ thống điện chiếu sáng, thang máy, cửa cuốn, cửa sổ cũng bị làm nhái, làm giả.
Gần đây có khá nhiều công trình xây dựng bị sự cố trầm trọng, một phần do chất lượng vật liệu không đảm bảo. Thêm nữa, các sản phẩm giả còn "lập lờ đánh lận con đen", cạnh tranh không lành mạnh với các sản phẩm chính hiệu.
(Theo DĐDN)