Theo Bộ Giao thông Vận tải, tuyến đường Hồ Chí Minh từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) sẽ được nối thông vào năm 2013, chậm 3 năm so với kế hoạch mà Chính phủ đề ra.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, tuyến đường Hồ Chí Minh từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) sẽ được nối thông vào năm 2013, chậm 3 năm so với kế hoạch mà Chính phủ đề ra.
Hiện dự án đường Hồ Chí Minh đã bước vào giai đoạn 2, tập trung xây dựng các dự án thành phần ở các khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo báo cáo của Bộ GTVT trước Quốc hội, đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1 đoạn từ Hòa Lạc (Hà Nội) đến Tân Cảnh (Kon Tum) với chiều dài 1.330km đã hoàn thành, đã bước đầu đã mang lại hiệu quả đối với cuộc sống của hàng triệu người trong đó có đồng bào các dân tộc ít người vùng sâu, vùng xa; vùng căn cứ cách mạng trước đây, tạo điều kiện phát triển kinh tế phía Tây đất nước.
Tuyến đường còn nhiều tiềm năng về thuỷ lợi, năng lượng và đặc biệt là du lịch. Trên tuyến đường có khu du lịch Đồng Mô, di tích Lam Kinh, khu lưu niệm Hải Thượng Lãn Ông, Vườn quốc gia Cúc Phương, Bến En, Phong Nha - Kẻ Bàng, Bạch Mã, Ngọc Linh… là những địa điểm du lịch lý tưởng cho các du khách.
Tuy nhiên, Bộ GTVT cũng thẳng thắn nhận định, hiệu quả của đường Hồ Chí Minh chưa tương xứng với tiềm năng. Tuyến đường này cách quốc lộ 1 từ 10 đến 80 km tùy theo khu vực, các đường ngang kết nối với quốc lộ 1 vẫn đang trong quá trình đầu tư, cải tạo, nên đã hạn chế sự phân bố lưu lượng phương tiện từ quốc lộ 1 qua đường Hồ Chí Minh.
Bộ GTVT cũng chỉ ra nguyên chậm tiến độ là do công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, cá biệt một số dự án thành phần đã phải gia hạn thời gian nhiều lần do không giải phóng được mặt bằng như đoạn Xuân Mai – Hòa Lạc (thành phố Hà Nội - trước đây là tỉnh Hà Tây), đoạn Nghi Sơn – Bãi Trành (tỉnh Thanh Hóa), đoạn qua thị xã Gia Nghĩa (tỉnh Đăk Nông), đoạn qua thị xã Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước).
Ngoài ra, do khó khăn bố trí vốn nên một số dự án thành phần đến cuối năm 2008 mới có chủ trương đầu tư như đoạn Tân Cảnh - Kon Tum, đoạn Buôn Ma Thuột - Cây Chanh, cầu Năm Căn… Dự kiến, đến năm 2011 những đoạn trên mới bắt đầu triển khai xây dựng.
Đường Hồ Chí Minh, công trình quan trọng quốc gia đã được Quốc hội khoá XI thông qua Nghị quyết tại kỳ họp thứ 6 về chủ trương đầu tư xây dựng. Thủ tướng đã có Quyết định về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể đường Hồ Chí Minh với điểm đầu là Pác Bó (Cao Bằng), điểm cuối là Đất Mũi (Cà Mau) với chiều dài 3.167km (tuyến chính dài 2667km, nhánh tây Trường Sơn dài 500km). - Giai đoạn 1 (2000 - 2007): Đầu tư hoàn chỉnh với quy mô 2 làn xe bao gồm cả kiên cố hoá và chống sạt lở đoạn từ Hoà Lạc (Hà Nội) - Tân Cảnh (Kon Tum). Tổng mức đầu tư 1 là 13.312 tỷ đồng với tổng chiều dài xây dựng khoảng 1.330km. - Giai đoạn 2 (2007 - 2010): Nối thông toàn tuyến từ Pác Bó đến Đất Mũi với chiều dài xây dựng khoảng 1.400 km, tổng mức đầu tư 27.688 tỷ đồng. - Giai đoạn 3 (2010 - 2020): Hoàn chỉnh toàn tuyến và từng bước xây dựng các đoạn tuyến theo tiêu chuẩn đường cao tốc phù hợp với quy hoạch được duyệt. |
(Theo Vnexpress)