Ấn đền Trần sẽ được phát cho nhân dân và du khách thập phương từ 7h sáng ngày 15 đến hết tháng Giêng năm Nhâm Thìn.
Ấn đền Trần sẽ được phát cho nhân dân và du khách thập phương từ 7h sáng ngày 15 đến hết tháng Giêng năm Nhâm Thìn. Năm nay, mỗi người được phát tối đa 2 ấn với sự kiểm soát an ninh trật tự chặt chẽ, tránh tình trạng xô đẩy và buôn bán ấn.
Chiều 17/1/2011, UBND thành phố Nam Định đã tổ chức họp báo công bố kế hoạch tổ chức Lễ hội khai ấn đền Trần xuân Nhâm Thìn 2012. Theo kế hoạch, ấn đền Trần sẽ bắt đầu được phát cho nhân dân và du khách thập phương từ 7h sáng ngày 15 tháng Giêng đến hết tháng Giêng, tại ba nhà Giải Vũ, phía trước nhà trưng bày đền Trùng Hoa và một số điểm tại khu vực vườn cây hai bên hồ nước phía trước và trong đền.
Năm 2012, chất liệu ấn thống nhất một loại ấn giấy, không sử dụng ấn vải. Việc phát ấn năm nay vẫn được giao cho Hội Cựu chiến binh và Hội Người cao tuổi phường Lộc Vượng thực hiện.
Về Lễ khai ấn, cũng như mọi năm, Ban tổ chức vẫn tiếp tục cấp phát 2 loại phù hiệu đỏ và phù hiệu xanh cho các đại biểu. Vào đêm 14 tháng Giêng năm Nhâm Thìn, từ 20h30, Ban tổ chức mời người dân và khách thập phương ra bên ngoài khuôn viên đền để làm công tác chuẩn bị lễ.
Từ 21h đến 22h, Ban tổ chức sẽ đón đại biểu có phù hiệu xanh vào sân đền Trùng Hoa; đón đại biểu có phù hiệu đỏ vào khu vực hành lễ sân đền Thiên Trường. Đúng 22h00 ngày 14 tháng Giêng sẽ tiến hành nghi lễ rước ấn từ đền Cố Trạch sang đền Thiên Trường và làm lễ khai ấn theo nghi thức cổ truyền, đồng thời đóng 11 lá ấn dâng tại đền Thiên Trường, đền Cố Trạch, đền Trùng Hoa, chùa Tháp, Văn chỉ Hiền Đàn, đình Tức Mặc, đình Kênh, đình Bái, đình Vĩnh Trường (phường Lộc Vượng) và lưu tại hòm ấn nhà đền.
Từ 23h30 trở đi, khách thập phương có thể vào lễ đầu năm tại đền Thiên Trường, Cố Trạch và Trùng Hoa. Trong các ngày 14, 15 và 16 tháng Giêng, Ban tổ chức sẽ tổ chức các hoạt động văn hoá, nghệ thuật truyền thống như múa lân, rồng, sư tử, hát chèo, chầu văn, thi kéo cờ, đấu võ, đấu vật bên ngoài cổng Ngũ Môn đền Trần.
Tại buổi họp báo, bà Cao Thị Tính, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Nam Định, cho biết thành phố chỉ đứng ra chỉ đạo để đảm bảo Lễ hội đền Trần diễn ra đúng định hướng, an ninh, an toàn, còn các hoạt động của buổi lễ cũng như việc phát ấn do cộng đồng thực hiện như truyền thống.
Đề án tổ chức
Lễ hội đền Trần năm 2012 đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và UBND tỉnh Nam Định thông qua. Kinh phí thu được từ đóng góp của du khách, nhân dân và bán ấn được công khai và nộp vào Kho bạc Nhà nước.
UBND thành phố Nam Định đã chỉ đạo thống nhất phát ấn đồng loạt từ sáng ngày 15 tháng Giêng với số lượng bán từ 1 đến 2 ấn cho mỗi người để tránh tình trạng đầu cơ, buôn bán ấn, đồng thời kiên quyết truy quét, xử lý đối với những trường hợp làm giả, bán ấn giả. Về vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm là ấ đền Trần hiện nay có nhiều điểm khác với ấn cổ (ấn cũ không có bộ Thổ), UBND thành phố Nam Định khẳng định trước mắt sẽ không có chuyện sửa lại ấn.
Về lâu dài, thành phố đã xây dựng lộ trình để Lễ hội đền Trần, ấn đền Trần đảm bảo đủ các yếu tố nghi lễ, chuẩn mực truyền thống. Đại diện Viện Văn hóa truyền thống cho biết dù các nhà nghiên cứu phát hiện một số điểm khác trên ấn nhưng việc sửa ấn cần phải rất cẩn trọng, nhất là phải được cộng đồng chấp nhận, đồng tình.
(Theo Dân trí)