Một số bạn bè hỏi tôi: “Gần đây thấy phong thuỷ trong kiến trúc được nhắc đến khá nhiều.
Một số bạn bè hỏi tôi: “Gần đây thấy phong thuỷ trong kiến trúc được nhắc đến khá nhiều.
Giới chuyên môn cũng tìm hiểu và vận dụng rầm rộ, hội thảo, nghiên cứu về phong thuỷ ngày càng quy mô và bài bản hơn. Riêng anh đã nghiên cứu và ứng dụng phong thuỷ trong kiến trúc lâu nay thì thấy thực tế thế nào?” Tôi chỉ biết cười buồn.
Chủ nhà: ru lòng mình vậy
Một số chủ nhà gần đây đã đưa phong thuỷ vào như là một phần của nhiệm vụ thiết kế. Có người cẩn thận in ra một “lá sớ” đầy đủ tên tuổi gia đình, hợp với cái gì không hợp cái gì, chỉ định bếp hướng này, giường xoay hướng kia. Về mặt chuyên môn, khi gặp các gia chủ như vậy tôi thường nói với anh em cùng thiết kế: thà vậy đi, vì nếu gia chủ không biết đặt vấn đề ra từ đầu, để đến khi nhà xây rồi mới giật mình tìm hiểu về phong thuỷ (mà chẳng qua là “lén” đi coi ở đâu đó) thấy không như ý mình thì bắt đập tới đập lui còn quá chết, gạo nấu thành cơm rồi, khó xử cho cả đôi bên.
Sự lẫn lộn giữa bài trí kiến trúc – nội thất theo phong thuỷ và các biện pháp cúng bái cầu tài lộc cũng rất hay xảy ra. Gia chủ hiện đại hay “vơ tất cả vào một rọ” rồi gọi chung tên là phong thuỷ, từ đó gây ra nhiều ngộ nhận. Nhiều nhà khoa học cũng đang tích cực mở ra chân lý khoa học của vấn đề ứng dụng phong thuỷ, nhưng theo tôi, đây còn là một hiện tượng xã hội cần xem xét dưới yếu tố tâm lý đám đông. Người quay quắt bức xúc kiểu như có bệnh thì vái tứ phương, kẻ lại ra vẻ thờ ơ nhưng vẫn thòng một câu: em làm sao cho gia đình chị xây nhà xong êm ấm hạnh phúc nhé! Trời, chuyện nhà mình muốn êm ấm mà lại giao phó cho người xây nhà thì coi bộ… gánh vác này hơi bị nặng, nhất là khi gánh nặng ấy lại không chứa yếu tố kiến trúc thuần tuý mà mang nhiều phần may nhờ rủi chịu.
Thời gian qua cũng xuất hiện khá nhiều gia chủ làm nhà theo kiểu “tự xử phong thuỷ”. Có khách hàng tuyên bố mình vừa tìm được bí kíp phong thuỷ ở tận bên… Ấn Độ, sẵn sàng áp dụng và đề nghị kiến trúc sư vẽ giùm những tính toán rất thần bí đó. Một số gia chủ lặn lội “rước thầy” từ bên Trung Quốc qua để “ếm” cho tiệm mình làm ăn phát đạt hơn. Những cách “ru lòng” phù phiếm như thế, tiếc thay lại làm rầu lòng giới chuyên môn hơn.
Nhà chuyên môn: có còn hơn không
Có, là có sự hiểu biết chút ít về phong thuỷ đã được nhà chuyên môn hiện nay xem trọng, ít ra là dưới khía cạnh “thuốc an thần” cho chủ đầu tư. Có, tức là nhiều kiến trúc sư sẵn sàng chiều lòng khách hàng bằng cách đợi họ đi “xem thầy” chán chê rồi quay lại thiết kế, khỏi phải chỉnh sửa nhiều rất mệt mỏi.
Nếu trước đây chừng chục năm mà nói chuyện thiết kế nhà theo phong thuỷ thì đa số kiến trúc sư (nhất là kiến trúc sư trẻ) đều giãy nảy lên hoặc ngó lơ đi nơi khác. Bây giờ thì đỡ hơn, vì như ở trên đã nói, gia chủ đưa vào nhiệm vụ thiết kế rồi, chạy đâu cho thoát? Riêng các kiến trúc sư du học về thì rất dị ứng vì cho rằng: bọn Tây không có phong thuỷ sao nó vẫn phát triển ầm ầm vậy? Tôi cười, hỏi lại: sao em biết nó không có phong thuỷ, và ai bảo em là phong thuỷ quyết định đến sự phát triển hay không phát triển của một đất nước, một cá thể? Và tôi đã phải “giảng bài” lại cho đồng nghiệp của mình rằng: phong thuỷ là văn hoá trong kiến trúc, là cách cư xử với môi trường thiên nhiên và xã hội sao cho hoà hợp. Môi trường họ khác mình thì văn hoá kiến trúc bên họ khác mình. Họ cũng có đủ kiểu kiêng kỵ nhưng chẳng qua “bọn Tây” nó không… gọi tên là phong thuỷ như ta mà thôi. Xu thế kiến trúc sinh thái, kiến trúc xanh… hiện nay đang phát triển chính là mong mỏi tạo dựng nơi cư trú hài hoà và cải tạo tốt môi trường sống đó thôi. Thử ghé qua Singapore hay Hong Kong xem, đi một bước là gặp phong thuỷ một bước. Vấn đề là họ phát triển đồng bộ và đa dạng chứ không tin tưởng lệch lạc vào phong thuỷ một cách mù quáng. Yếu tố mê tín và cầu may mắn thì ở đâu cũng có, thậm chí có cả tour du lịch đi xem nhà có… ma bên Anh quốc, ghé lâu đài ác quỷ Dracula bên Rumani! Còn về chuyên môn thì người làm kiến trúc phải biết phân biệt đâu là mê tín, đâu là nhu cầu chính đáng, cái gì làm được thì làm cho gia chủ, cái gì thiếu cơ sở khoa học thì phải biết phân tích, chứng minh, chứ sao lại vơ đũa cả nắm hoặc né tránh toàn phần? Chính mình còn không phân biệt được bàn thờ ông địa là giải pháp kiến trúc phong thuỷ hay tín ngưỡng dân gian thì sao thuyết phục ai nghe?
Một kiến trúc sư trẻ cũng tu nghiệp nước ngoài về gọi cho tôi: Tụi em mới xây xong nhà, nhờ thầy xem giùm em ngày nào dọn vào nhà mới được, tụi em không tin nhưng ba mẹ và mọi người chung quanh đều kêu phải xem cẩn thận, thôi thì...” Tôi không trả lời, chỉ nghĩ thầm: ngay cả nhà chuyên môn cũng như thế, không tin sao còn đi hỏi, và hỏi rồi liệu có làm theo, theo rồi liệu có oán trách giận hờn, đổ thừa “tại–vì–bị–bởi” gì chăng? Thôi, tôi đành im lặng là vàng, dù biết chắc kiến trúc sư trẻ ấy cũng chỉ cần một cú nhắp chuột là tìm ra đủ ngày lành tháng tốt trên mạng, hỏi mình chẳng qua như nhờ mình đọc sách giùm mà thôi. Việc tràn ngập thông tin về phong thuỷ và khó phân biệt đâu là nghiên cứu bài bản, đâu là giải trí theo kiểu “tin hay không tin tuỳ bạn” như hiện nay, có đủ cả mặt tích cực lẫn tiêu cực. Từ gia chủ đến người làm chuyên môn hầu hết đều biết phong thuỷ như là một cách thức sắp xếp nhà cửa theo kiểu “có kiêng có lành”, nên tham khảo cho biết, giúp tâm lý mọi người khi xây nhà sửa nhà thoải mái hơn, không quá mơ hồ và chấp nhận nhiều giải pháp kiến trúc nào là “hợp phong thuỷ”. Nhưng khi bị nhiễu thông tin quá mức thì lại sinh ra tâm lý bệnh tưởng tượng, “nhìn đâu cũng thấy nguy hiểm rình rập nhà mình”, và đổ thừa mọi thứ tại phong thuỷ gây ra.
Và như thế, có lẽ những vui buồn về phong thuỷ trong hành nghề kiến trúc hiện nay vẫn mãi là “bài ca chưa viết hết lời”…
(Theo SGTT)