Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị nên hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng thu nhập thấp mua nhà thay vì hỗ trợ gián tiếp qua ưu đãi thuế cho doanh nghiệp.
Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị nên hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng thu nhập thấp mua nhà thay vì hỗ trợ gián tiếp qua ưu đãi thuế cho doanh nghiệp.
Ngày 26-10, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Việc sửa đổi hai luật thuế trên, theo cơ quan soạn thảo là nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, tạo cơ hội cho người có thu nhập thấp, học sinh, sinh viên, công nhân... có chỗ ở ổn định.
Cân nhắc việc sửa luật
Theo ông Nguyễn Tiến Quân, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, thực tế TP.HCM và Hà Nội đã có nhiều hỗ trợ về đất đai, tài chính cho doanh nghiệp xây nhà cho các đối tượng nêu trên nhưng thực sự họ có được hưởng hay không thì khó biết. “Ở Hà Nội có một khu nhà rất to dành làm ký túc xá cho sinh viên, giờ chỉ còn hai tòa nhà, những tòa khác đã được sửa lại thành căn hộ trung-cao cấp gì đó để bán” - ông nói.
Ông cho biết các nước rất hãn hữu mới điều chỉnh luật thuế. Muốn tạo cơ hội cho người thu nhập thấp có nhà ở, họ làm hai cách: Hoặc nhà nước trực tiếp đứng ra làm; hoặc hỗ trợ trực tiếp cho những đối tượng nêu trên. “Chả nhẽ mỗi lần chúng ta có định hướng gì lại phải sửa luật?”.
Ủy viên Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền bổ sung: “Có những dự án danh nghĩa là xây nhà cho người có thu nhập thấp nhưng toàn thấy biệt thự. Dự luật không có sức thuyết phục”. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga thì nói: “Mục đích là tạo nhà ở cho sinh viên, công nhân nhưng lại hỗ trợ cho doanh nghiệp. Tôi cho rằng nên cân nhắc lại việc sửa luật này”.
Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM Nguyễn Ngọc Hòa cho rằng nhà nước nên hỗ trợ trực tiếp bằng ưu đãi vay vốn, lãi suất, thời hạn... để nguồn thu thuế ổn định.
Giám sát chặt là ổn?
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng lưu ý về chuyện doanh nghiệp lợi dụng chính sách thuế để hưởng lợi riêng. Tuy nhiên, đồng tình với tờ trình của Chính phủ, ủy viên Ủy ban Pháp luật Nguyễn Ngọc Đào nói: “Nâng, giảm thuế là chuyện hoàn toàn bình thường. Nếu không có sự hỗ trợ, khuyến khích sẽ không có doanh nghiệp nào thiết tha vì hiện chỉ có khoảng 2%-3% doanh nghiệp làm bất động sản quan tâm chuyện này thôi”. Ông thêm: Chuyện tiêu cực, nhà không đến đúng đối tượng... có thể phát sinh nhưng chỉ cần giám sát chặt sẽ hạn chế.
Theo ông Nguyễn Tiến Quân, nếu Quốc hội vẫn thông qua luật thì cần xây dựng những tiêu chí cụ thể về đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi, chế tài... “Khi xây dựng xong nhà ở, doanh nghiệp chuyển mục đích khác phải hoàn trả toàn bộ ưu đãi cho nhà nước vì với cơ chế hiện tại, chỉ một thời gian là doanh nghiệp sẽ tìm cách lách ngay” - ông đề xuất.
Hiệu trưởng Trường đại học Hồng Đức Nguyễn Văn Phát kiến nghị: “Khi đã đăng ký xây nhà cho sinh viên, xây nhà cho người có thu nhập thấp, doanh nghiệp không được chuyển mục đích sử dụng”.
(Theo PLTPHCM)