Các công trình quan trọng, nhà cao tầng... đều buộc phải tính toán đến tác động của động đất trong thiết kế xây dựng.
Các công trình quan trọng, nhà cao tầng... đều buộc phải tính toán đến tác động của động đất trong thiết kế xây dựng.
Ngày 24-6, Tiến sĩ Lê Huy Minh, Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu), cho biết vẫn chưa thể dự báo về khả năng xảy ra động đất tiếp sau trận động đất 4,7 độ Richter ở ngoài biển Bình Thuận (đảo Phú Quý, cách đất liền khoảng 150 km) vào ngày 23-6. Đây là trận động đất nhẹ nhưng các TP lân cận như TP.HCM đều cảm nhận được độ rung lắc do động đất gây ra. Động đất ở mức này xảy ra khá thường xuyên ở Việt Nam nhưng không gây thiệt hại.
Nếu động đất, TP.HCM bị ảnh hưởng nặng
Cũng theo ông Minh, năm 2004 Viện Vật lý địa cầu đã lập bản đồ nguồn các vùng phát sinh động đất ở Việt Nam. Theo đó, ở nước ta có một số địa điểm ở phía Bắc được dự báo có khả năng xảy ra động đất cấp 8 (theo thang MSK, áp dụng trong xây dựng), chấn động do động đất gây ra tại một số nơi thuộc vùng Tây Bắc có thể đạt tới cấp 9. Đại bộ phận lãnh thổ Việt Nam có thể xảy ra động đất yếu và rất yếu. Như vậy, động đất xảy ra tại Việt Nam cường độ thường ở mức trung bình và trung bình yếu chứ không mạnh và nhiều so với nhiều nơi trên thế giới. Tần suất xảy ra động đất với cường độ mạnh là rất thấp.
Tuy nhiên, ở những nơi có nền đất yếu như TP.HCM, mức độ ảnh hưởng của động đất sẽ nghiêm trọng hơn. Do vậy, các công trình cao tầng, có quy mô lớn tại đây đều đòi hỏi phải được thiết kế và xây dựng với khả năng kháng chấn tốt. “Chúng tôi vừa hoàn tất bản đồ phân vùng động đất cho khu vực TP.HCM. Trên cơ sở này, các công trình nhà cao tầng, công trình giao thông quan trọng… có thể được tính toán, thiết kế phù hợp để có thể “miễn nhiễm” với những trận động đất cực đại xảy ra trong tương lai” - ông Minh nói.
Các công trình quan trọng đều kháng chấn tốt
Trong hoạt động xây dựng, khái niệm công trình xây dựng cao tầng được xác định như sau: các công trình nhà ở căn hộ có độ cao từ chín tầng trở lên; công trình công cộng có độ cao từ bảy tầng trở lên; cao ốc là những tòa nhà có độ cao lớn, trên 30 tầng… Các công trình này đều có tải trọng lớn, đòi hỏi hệ kết cấu công trình, từ nền móng đến hệ khung sườn nhà phải thật bền chắc mới có khả năng chống chọi với động đất.
Ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, khẳng định các công trình xây dựng ở TP.HCM đều được thiết kế chịu động đất cấp 7 (độ MSK áp dụng trong xây dựng, được quy đổi từ độ Richter trong chuyên ngành vật lý - PV). “Hiện trong quy chuẩn và tiêu chuẩn kỹ thuật đều yêu cầu khi thiết kế và xây dựng công trình phải xem xét các yếu tố có thể tác động đến công trình, trong đó có cả động đất. Đây là yêu cầu bắt buộc đối với mọi công trình xây dựng nhằm đảm bảo an toàn cho con người và tài sản, nhất là những công trình nằm ở vùng động đất” - ông Hiệp nhấn mạnh.
Tương tự, ông Bùi Xuân Cường, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, cho biết thêm tùy theo cấp công trình giao thông và vị trí công trình (có nằm trong khu vực động đất hay không) mà được tính thiết kế khả năng kháng chấn cực đại. Điển hình như một số công trình giao thông quan trọng ở TP.HCM như hầm Thủ Thiêm, cầu Thủ Thiêm, cầu Phú Mỹ… đều được thiết kế, xây dựng với khả năng kháng chấn đến cấp 7.
(Theo PLTPHCM)