Tại TP HCM, khi hóa giá nhà sở hữu Nhà nước, hợp thức hóa chủ quyền nhà đất, không chỉ thủ tục rườm rà phức tạp mà ngay cả cung cách làm việc của cán bộ cũng gây rất nhiều phiền hà cho người dân...
Tại TP HCM, khi hóa giá nhà sở hữu Nhà nước, hợp thức hóa chủ quyền nhà đất, không chỉ thủ tục rườm rà phức tạp mà ngay cả cung cách làm việc của cán bộ cũng gây rất nhiều phiền hà cho người dân...
Tháng 3/2005, chị Đỗ Thu Thủy xin hóa giá căn nhà thuộc sở hữu nhà nước tại đường 385, phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9, TP HCM. "Trước khi hóa giá, tôi đã tìm hiểu kỹ và biết chỉ có những người đứng tên trong hợp đồng thuê nhà mới làm cam kết không tranh chấp. Nhưng theo yêu cầu của Công ty Quản lý và phát triển đô thị quận 9, ngoài những người thân bên gia đình tôi, cả người thân bên chồng, không có tên trong hợp đồng thuê nhà, không có hộ khẩu chung cũng phải làm cam kết", chị Thủy kể.
Để mua được nhà, chị Thủy phải làm đủ giấy để bổ sung. Tiếp theo là giấy khai tử của bố mẹ chị và cả giấy khai sinh của chị cũng "bị hành suốt một tháng". Ngày 24/4/2005, chị Thủy nộp đủ hồ sơ theo yêu cầu của người tiếp nhận hồ sơ. Trong biên nhận hồ sơ của Công ty Quản lý và phát triển đô thị quận 9 có đến 12 loại giấy tờ khác nhau, tính cả bản chính lẫn bản sao tổng cộng 32 bản, trong đó có những giấy tờ không cần thiết vẫn phải nộp và sau này bị trả lại với lý do là "thừa" như giấy cam kết không tranh chấp của em gái, chị dâu... Biết quy trình thụ lý hồ sơ niêm yết trước công ty là 60 ngày, chị Thủy yên tâm. Nhưng cuối tháng 7/2005, chị lại nhận được thông báo đề nghị bổ sung giấy cam kết chưa được hưởng chế độ chính sách nhà ở của chồng. Bốn tháng sau, nhân viên lại bắt bổ túc giấy này một lần nữa.
Nếu tính từ lúc làm hồ sơ hóa giá nhà đến khi có chủ quyền nhà chị Thủy phải mất gần một năm rưỡi. "Không hiểu sao lại có những kiểu hành dân đến như vậy. Nếu đã có nhà ở, có lẽ tôi đã bỏ cuộc từ lâu", chị nói.
Về trường hợp của chị Thủy, bà Phạm Thị Phượng, đội trưởng đội quản lý nhà Công ty Quản lý và phát triển đô thị quận 9, giải thích: "Công ty nhận hồ sơ của chị Thủy từ tháng 8/2005 (thực tế biên nhận ghi ngày 24/4). Do lúc đó chưa có chỉ đạo của Thủ tướng về giá bán nhà sở hữu nhà nước nên công ty nhận và... để đó. Sau khi có ý kiến của Thủ tướng, tháng 1/2006 bắt đầu trình hồ sơ cho lãnh đạo, duyệt giá bán và tháng 2/2006 thanh lý hợp đồng thuê nhà".
Bà Phượng còn nói lẽ ra khi thanh lý hợp đồng tháng 2 thì qua tháng 3 phải có giấy chủ quyền. Nhưng do quá trình luân chuyển hồ sơ giữa các bộ phận có sai sót, dẫn đến tiến độ bị chậm. Lãnh đạo công ty đã chỉ đạo kiểm điểm bộ phận thụ lý hồ sơ chậm.
Hẹn rồi lại... hẹn
Chị Thủy vẫn còn may mắn hơn chị N.T.N. ở quận Bình Thạnh. Chị N. đã mất hơn hai năm làm giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở (gọi tắt là giấy chủ quyền) đến nay vẫn chưa xong. "Khi nghe UBND phường 28 thông báo làm giấy chủ quyền theo kế hoạch, tháng 2/2004 tôi đến nộp hồ sơ. Nửa năm sau, không thấy phản hồi. Lên quận hỏi thì được giải thích, phường 28 thuộc khu quy hoạch nên ngưng cấp giấy chủ quyền", chị N. nói.
Kiên trì chờ đợi. Đầu năm 2006, chị N. đến bộ phận tiếp nhận hồ sơ tại UBND quận Bình Thạnh nhưng lần nào cũng chỉ nhận được một cái hẹn. Lần gần đây nhất được hẹn đến ngày 26/11 sẽ chuyển hồ sơ về UBND phường nhưng chị N. vẫn không yên tâm. "Tôi đã quá mệt mỏi. Mỗi lần đi như vậy phải xin nghỉ phép ở cơ quan, ảnh hưởng đến công việc".
Cũng trong tình cảnh tương tự là trường hợp của một hộ dân ở phường 3, quận Bình Thạnh. Nộp hồ sơ từ tháng 11/2005, gần một năm sau mới có giấy chủ quyền. Chủ nhân căn nhà nói rằng giai đoạn đầu nộp hồ sơ, quận nói nhà xây dựng sai phép, lấn chiếm hẻm và ra quyết định yêu cầu khắc phục. Vừa khắc phục xong, lại nhận được quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt, khiến chủ nhà "rối tung". Làm đơn kiến nghị UBND quận, quận lại ra quyết định thu hồi, hủy bỏ quyết định cưỡng chế...
Từ năm 2004 đến nay quy định về cấp chủ quyền nhà đất đã nhiều lần thay đổi: từ việc cấp chủ quyền theo nghị định 60, nghị định 181 và hiện nay là áp dụng nghị định 90. Nhưng nhiều hồ sơ của người dân vẫn bị "ngâm".
(Theo Tuổi Trẻ)