Mỗi năm vào ngày Định cư Thế giới, ngày thứ hai đầu tiên của tháng mười, chủ đề đô thị hóa sẽ được thế giới nhắc đến với sự quan tâm đặc biệt.
“Mỗi năm vào ngày Định cư Thế giới, ngày thứ hai đầu tiên của tháng mười, chủ đề đô thị hóa sẽ được thế giới nhắc đến với sự quan tâm đặc biệt. Năm nay, chúng ta sẽ xem xét ảnh hưởng của các thành phố tới biến đổi khí hậu và ngược lại, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với các thành phố, và việc các thành phố phải làm gì để ứng phó với thách thức này”, ông Joan Clos , Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, Tổng Giám đốc Điều hành của UN-HABITAT tuyên bố trong thông điệp nhân ngày Định cư Thế giới 2011.
Đến cuối tháng 10/2011, dân số thế giới sẽ tăng lên 7 tỷ người, hơn một nửa sống ở khu vực đô thị. Theo dự báo, tỷ lệ này sẽ tăng lên hai phần ba sau một thế hệ nữa. Một trong những thách thức lớn nhất mà chúng ta đang phải đối mặt là làm thế nào quản lý được quá trình đô thị hóa một cách hiệu quả.
Theo Báo cáo về Định cư Con người năm 2011 của UN-HABITAT chủ đề “Thành phố và Biến đổi Khí hậu”, đến năm 2050 sẽ có 200 triệu người trên thế giới phải di dời do nguyên nhân biến đổi khí hậu. Rất nhiều người trong số họ bị mất nhà do nước biển dâng và sự gia tăng tần suất của lũ lụt và hạn hán.
Ông Nguyễn Quang, Giám đốc Chương trình Định cư Con người Liên Hợp Quốc tại Việt Nam nhận định, biến đổi khí hậu làm trầm trọng thêm những vấn đề mà các đô thị đang phải đối mặt từ việc cung cấp nhà ở, cơ sở hạ tầng, giao thông đô thị, đến giảm thiểu đói nghèo, dịch bệnh, hạn chế ô nhiễm môi trường và bảo đảm an ninh lương thực.
Việt Nam là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, đặc biệt là vấn đề nước biển dâng do nhiều thành phố, cơ sở hạ tầng chính và khu công nghiệp nằm dọc ven biển. Một báo cáo của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) năm 2009 cho thấy hơn 77% dân số quốc gia sống trong phạm vi 100 km từ bờ biển, có nghĩa là, hàng triệu người dân Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu trong vài thập kỷ tới. Nước biển dâng tạo ra nguy cơ ngập lụt và hiện tượng xâm mặn, gây áp lực lên vấn đề di cư, đặc biệt là dòng người từ nông thôn lên thành thị.
Ở đồng bằng sông Cửu Long, nước biển dâng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất lúa gạo, tác động tiêu cực đến thị trường trong nước và quốc tế, gây khó khăn đối với nhóm người nghèo và những người dễ bị tổn thương khác trong sản xuất, và đời sống sinh hoạt.
Ðể chuẩn bị cho việc giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu ở đô thị có hiệu quả hơn, Việt Nam đang xây dựng thực hiện các chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu ở các cấp. Ở cấp quốc gia, Chính phủ Việt Nam đã xây dựng Chương trình Mục tiêu Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu. Các bộ ban ngành hiện đang chỉ đạo việc lồng ghép vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu vào các kế hoạch và chiến lược ngành. Trong lĩnh vực quản lý đô thị, Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm hướng dẫn việc lồng ghép vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm thiểu phát thải khí nhà kính vào quy hoạch đô thị.
Các chính quyền đô thị cấp địa phương hiện cũng đang xây dựng chương trình hành động gắn kết giữa ứng phó với biến đổi khí hậu và nhu cầu về phát triển đô thị trong tương lai. Việc mở rộng phạm vi tham gia của toàn dân, phối hợp giữa chính quyền với cộng đồng và khu vực tư nhân trong đánh giá mức độ tổn thương và khả năng thích ứng trong xây dựng quy hoạch - kế hoạch hành động cụ thể là rất cần thiết.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, Ban Ki-moon đã nhấn mạnh, nỗ lực của địa phương đóng vai trò vô cùng quan trọng cho sự thành công ứng phó với biến đổi khí hậu, tuy nhiên họ cần sự hỗ trợ từ quốc tế.
Duy Khánh