Để tưởng nhớ công lao dựng nước của các vua Hùng, nhiều nơi trên đất nước Việt Nam đã lập đền thờ Hùng Vương.
> Lễ hội Đền Hùng: Toàn cảnh lễ dâng hương Tổ Mẫu Âu Cơ
> Cấm đường, phân luồng giao thông phục vụ Lễ hội Đền Hùng 2012
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là một nét đẹp truyền thống văn hóa lâu đời của dân tộc Việt Nam, góp phần hun đúc lòng tự hào và tạo nên tinh thần đoàn kết cho mỗi người dân Việt Nam. Để tưởng nhớ công lao dựng nước của các vua Hùng, nhiều nơi trên đất nước Việt Nam đã lập đền thờ Hùng Vương.
Cùng Dothi.net ghé thăm một số đền thờ Hùng Vương tiêu biểu trên cả nước:
Đền thờ Hùng Vương – Phú Thọ
Đền Hùng là tên gọi khái quát quần thể đền chùa thờ phụng các Vua Hùng và tôn thất của nhà vua trên núi Nghĩa Lĩnh. Quần thể di tích Đền Hùng nằm từ chân núi đến đỉnh ngọn núi Nghĩa Lĩnh cao 175 mét (núi có những tên gọi như Núi Cả, Nghĩa Lĩnh, Nghĩa Cương, Hy Cương, Hy Sơn, Bảo Thiếu Lĩnh, Bảo Thiếu Sơn), thuộc địa phận xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, trong khu rừng được bảo vệ nghiêm ngặt giáp giới với những xã thuộc huyện Thanh Sơn và vùng ngoại ô thành phố Việt Trì, cách trung tâm thành phố Việt Trì khoảng 10km. Khu vực đền Hùng ngày nay nằm trong địa phận của kinh đô Phong Châu của quốc gia Văn Lang cổ xưa.
Khu di tích lịch sử Đền Hùng bao gồm ba đền chính là Đền Hạ, Đền Trung và Đền Thượng theo thứ tự từ dưới chân núi đi lên. Từ những bậc đầu tiên dưới chân núi, du khách sẽ qua cánh cổng, bước nhiều bậc đá lên thắp hương và thăm thú các đền, kết thúc tại Đền Thượng trên đỉnh Nghĩa Lĩnh, nơi có lăng mộ vua Hùng thứ 6.
Gần đền Thượng là Đền Giếng. Đền Giếng là nơi được cho rằng rất linh nghiệm cho những ai muốn cầu duyên. Tên gọi của đền do trong đền có chiếc giếng ngọc tương truyền là nơi hai công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa thường soi dung nhan. Nguồn nước thiêng của giếng ngọc tuôn chảy từ lòng núi Nghĩa Lĩnh.
Đền thờ vua Hùng tại TP HCM
Tại TP HCM hiện có 11 nơi thờ các vua Hùng. Trong số đó ba đền thờ được biết đến nhiều nhất là đền thờ vua Hùng tại Thảo Cầm Viên và đền thờ tại Công viên Văn hóa Tao Đàn và đền thờ Hùng Vương tại Suối Tiên.
Trong công viên Tao Đàn, Đền tưởng niệm các Vua Hùng chỉ chiếm một diện tích nhỏ nhưng lại là tâm điểm cho mỗi người dân khi đặt chân đến đây. Đền được xây dựng từ năm 1992 và được trùng tu vào cuối năm 2011 vừa qua. Trong đền, tượng vua Hùng được đặt ngay chính diện, phía tay phải của vua là tượng mẹ Âu Cơ và phía tay trái là tượng Bác Hồ. Trước sân ngoài chiếc lư đồng to lúc nào cũng nghi ngút khói hương còn có Trụ đá thề và tấm bia đá được khắc câu nói bất hủ của Bác Hồ: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Lâu đời hơn đền tưởng niệm các vua Hùng tại công viên Tao Đàn, khu di tích đền thờ vua Hùng tại Thảo Cầm Viên được xây dựng cách đây gần một thế kỷ (từ năm 1927). Di tích này khác hẳn không khí ồn ào, náo nhiệt của Sài Gòn , đền thờ vừa cổ kính, lại thanh tĩnh, trang nghiêm, khiến những du khách đến đây như được tìm về với cội nguồn xa xưa của mình.
Khác với hai khu di tích trên, đền thờ Vua Hùng tại Suối Tiên được chạm khắc công phu với những hoa văn, họa tiết điêu khắc cổ Việt Nam có từ triều đại của các Vua Hùng ngày xưa. Đền thờ Vua Hùng được xây dựng trên khuôn viên với tổng diện tích là 1.678 m2, cao 18m.
Tượng Vua Hùng cao 9,4m, chiều ngang 3,2m; chiều rộng 2,25m; dát vàng, mặt tượng quay về phương Bắc – hướng về quê cha đất Tổ. Chung quanh đền thờ các phù điêu dựa theo các sự tích cổ được chạm khắc công phu ca ngợi nền văn hóa dân tộc. Ngôi đền là nơi mọi người Việt Nam tự hào ôn lại lịch sử và tỏ lòng thành kính với vị Quốc Tổ của dân tộc.
Đền thờ các vua Hùng ở Gia Lai
Cách trung tâm TP Pleiku đến 10km nhưng Công viên Đồng Xanh luôn là sự lựa chọn hàng đầu của du khách bởi sự đa dạng và phong phú với các điểm vui chơi, tham quan hấp dẫn. Đặc biệt, trong công viên còn có đền thờ các vua Hùng.
Đền thờ được xây dựng theo kiến trúc cổ tuy nhiên vẫn mang đậm chất Tây Nguyên. Ngoài ra, trong đền còn có 2 chiếc trống đồng phỏng tác theo nguyên bản của trống đồng Đông Sơn.
Đền thờ vua Hùng tại Đà Lạt
Đền thờ các Vua Hùng ở Đà Lạt được xây dựng trên đỉnh núi Phượng Hoàng trong khu du lịch thác Prenn với diện tích 160ha. Đền Hùng được xây dựng theo nguyên mẫu của Đền Hùng Phú Thọ, bao gồm Đền Thượng, Đền Trung và Đền Hạ.
Từ chân núi lên Đền Thượng cao khoảng 80m, du khách muốn đến được Đền Thượng phải đi qua cánh rừng thông cổ thụ dài khoảng 500m. Trước Đền Thượng là khu công viên mang tên Lạc Long Quân - Âu Cơ nằm trên triền dốc thoai thoải, du khách theo những con đường lát đá dạo qua những bồn hoa, cây cảnh, đủ màu sắc.
Đền thờ vua Hùng tại Khánh Hòa
Người dân Khánh Hòa thường tìm đến đền thờ Hùng Vương tại phường Tân Lập, thành phố Nha Trang để dâng hương tỏ lòng tôn kính và tưởng nhớ công lao to lớn của các vua Hùng.
Đền thờ vua Hùng tại Khánh Hòa được xây dựng khá đơn giản. Tuy nhiên vào ngày 10/3 âm lịch hàng năm, tại đền thờ này tỉnh Khánh Hòa đều tổ chức nhiều hoạt động văn hóa hướng về cội nguồn.
Mỹ Anh (TH)