Trước thông tin về các dự án còn nợ thuế được công bố, nhiều người dân đã "lo sốt vó" vì đứng trước nguy cơ mua nhà nhưng sẽ không được cấp sổ đỏ
Khách hàng lo sốt vó
Cục Thuế Hà Nội vừa công bố danh sách các doanh nghiệp nợ tiền sử dụng đất tính đến tháng 2/2012. Trong đó nêu đích danh nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn trên địa bàn đang ngập trong nợ thuế, có trường hợp lên tới hơn 200 tỉ đồng.
Cụ thể, theo danh sách Cục Thuế Hà Nội vừa công khai danh tính thì Dự án Khu đô thị Thạch Bàn tại phường Thạch Bàn, Quận Long Biên (Hà Nội) do Công ty TNHH Berjay – Handico 12 làm chủ đầu tư đứng đầu danh sách về số nợ tiền sử dụng đất và phạt lên tới gần 226 tỉ đồng, trong đó riêng số tiền phạt do trây ì là 78 tỉ đồng.
Tương tự, Dự án tổ hợp nhà Đại Mỗ do CTCP Cơ khí Xây dựng Đại Mỗ được quảng cáo là khu tổ hợp hiện đại với cái tên “Thành phố của giấc mơ” cũng nợ tiền sử dụng đất và phạt lên tới trên 127 tỉ đồng, trong đó riêng tiền nợ thuế đất là 124 tỉ đồng.
Ngoài ra, một số “đại gia” bất động sản khác cũng nằm trong danh sách này, gồm có CTCP Xây dựng số 1 Hà Nội – chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở kinh doanh kết hợp dịch vụ thương mại tại 26 Lê Văn Lương với số nợ trên 176 tỉ đồng; công ty cổ phần Thương mại Hưng Việt – chủ đầu tư Dự án Golden Land (Thanh Xuân) với số nợ thuế hơn 73 tỉ đồng, chưa kể số tiền phạt nộp chậm gần 26 tỉ đồng; CTCP Đầu tư Xuất nhập khẩu Tây Đô – chủ đầu tư dự án Tháp doanh nhân (Hà Đông) với số nợ trên 27 tỉ đồng…
Đây là những dự án được Cục Thuế Hà Nội đưa vào danh sách trây ì và công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, do thời gian dài vừa qua cơ quan thuế vẫn bất lực không thể thu hồi được.
Điều đáng nói, trong số các dự án còn nợ thuế, có những dự án sắp bàn giao nhà, khiến khách hàng đứng trước nguy cơ mua nhà dự án nhưng sẽ không được cấp sổ đỏ do chủ đầu tư nợ thuế.
Chị Nguyễn Thị Mai (Định Công, Hà Nội) tỏ ra lo lắng cho biết, hồi cuối năm 2010, chị có mua một căn hộ tại chung cư Canal Park thuộc dự án khu đô thị Thạch Bàn (Long Biên, Hà Nội) với giá 27 triệu đồng/m2. Cuối năm 2011 chung cư này đã tổ chức lễ cắt nóc, hoàn thiện phần xây thô, chuẩn bị bàn giao nhà cho khách hàng.
“Về tiến độ dự án, tôi khá yên tâm. Nhưng những thông tin về dự án đang nợ thuế khiến tôi rất lo lắng, vì sắp đến ngày bàn giao nhà mà chủ đầu tư chưa đóng hết thuế, thì cũng đồng nghĩa là chúng tôi sẽ vẫn chưa có sổ đỏ”, chị Mai nói.
Giống như chị Mai, anh Tùng (Gia Lâm, Hà Nội) cũng tỏ ra cân nhắc khi lựa chọn mua dự án Golden Land do công ty Cổ phần Thương mại Hưng Việt làm chủ đầu tư. Mặc dù, trả lời trên báo chí, đại diện của CTCP Thương mại Hưng Việt cam kết cam kết sẽ hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong tháng 3 này, nhưng anh Tùng cũng tỏ ra hoài nghi vì rất có thể chủ đầu tư chỉ hứa vì hiện dự án này đang được mở bán trên thị trường.
“Tìm hiểu các thông tin về dự án, tôi thấy rất hài lòng, nhất là vị trí nằm ngay trên đường Nguyễn Trãi. Nhưng thông tin về việc nợ thuế của chủ đầu tư khiến tôi hơi băn khoăn vì nó liên quan đến việc cấp sổ đỏ sau này”, anh Tùng cho biết.
Theo luật hiện hành, các dự án khi chủ đầu tư chưa thực hiện xong các nghĩa vụ tài chính thì không thể cấp sổ đỏ và việc này cũng đồng nghĩa với việc vô hiệu hoá các quyền chuyển nhượng, quyền thế chấp sử dụng hợp pháp. Có lẽ đây cũng là lo lắng lớn nhất của khách hàng trót mua nhà tại những dự án nợ tiền thuế đất.
Cần cẩn trọng!
Không chỉ các dự án chậm nộp thuế sử dụng đất, theo các chuyên gia, khách hàng trước khi lựa chọn mua nhà cần cẩn trọng vì có những giao dịch tưởng chừng như đúng luật và hợp pháp nhưng người mua vẫn có thể rơi vào nguy cơ không được cấp sổ đỏ.
Nghị định 71/2010/NĐ- CP quy định chủ đầu tư được phép ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với các đối tác và nhà đầu tư, thỏa thuận phân chia lợi nhuận bằng tiền hay sản phẩm nhà ở.
Tuy nhiên, chủ đầu tư chỉ được phân chia tối đa cho hình thức huy động vốn này không quá 20% số lượng nhà ở trong mỗi dự án mà không phải thông qua sàn giao dịch bất động sản.
Tức là chủ đầu tư chỉ được phép bán không quá 20% tổng số nhà thương mại của dự án không qua sàn và phải có văn bản thông báo cho Sở Xây dựng tỉnh, thành phố, nơi phát triển dự án, chậm nhất sau 15 ngày kể từ khi công bố bán nhà, đồng thời phải báo rõ hình thức và số vốn cần huy động, địa chỉ của nhà đầu tư, số lượng nhà sẽ bán.
Tuy nhiên thực tế có rất nhiều chủ đầu tư đã cố tình lờ đi nghĩa vụ của mình đối với khách hàng khi cầm tiền mà không nộp danh sách lên để Sở Xây dựng, kiểm tra.
Lý giải điều này, anh Tuấn, một nhà đầu tư bất động sản cho rằng, thực chất nhiều chủ đầu tư đã bán vượt quá số căn hộ được cho phép là 20% không qua sàn. Vì vậy, cũng dễ hiểu là họ không dám nộp danh sách cho Sở xây dựng.
“Hậu quả người mua nhà sẽ phải gánh chịu vì khi không có danh sách ở Sở Xây dựng cũng đồng nghĩa họ không có đủ điều kiện để được cấp sổ đỏ sau này”, anh Tuấn cho biết.
Vì vậy, các khách hàng khi lựa chọn mua dự án phải cẩn trọng và tìm hiểu kỹ các thông tin. Trong thời điểm hiện tại, nhiều dự án do chủ đầu tư thiếu vốn, đưa ra mức giá bán khá hấp dẫn, người mua càng phải tìm hiểu kỹ càng hơn.
Anh Châu (Theo VTC)