Nhà ở cho người nhập cư vào các thành phố lớn (hầu hết có thu nhập không cao) là vấn đề gay gắt với Indonesia lâu nay. Từ năm 2007, Chính phủ nước này đã phát động chương trình xây dựng 1.000 chung cư giá thấp cho tầng lớp này.
Nhà ở cho người nhập cư vào các thành phố lớn (hầu hết có thu nhập không cao) là vấn đề gay gắt với Indonesia lâu nay. Từ năm 2007, Chính phủ nước này đã phát động chương trình xây dựng 1.000 chung cư giá thấp cho tầng lớp này.
Tại Hội nghị thượng đỉnh Ban thư ký Liên đoàn bất động sản Thế giới (FIABCI)khu vực châu Á - Thái Bình Dương, vừa diễn ra tại TP HCM cuối tuần trước, bản tham luận về kinh nghiệm trong đầu tư phát triển căn hộ cho người thu nhập thấp tại Indonesia, do ông Ir.F. Teguh Satria, Chủ tịch FIABCI Indonesia, trình bày, đã thu hút được nhiều sự quan tâm.
Chương trình nhà thu nhập thấp dự kiến kéo dài trong 5 năm, hướng trọng tâm vào thủ đô Jakarta, nơi có số dân khoảng 12 triệu người và một số thành phố khác như Surabaya, Medan, Bandung, Semarang, Batam, Makasal...
Các chung cư trong chương trình, cũng được gọi là tower (cao ốc), nhưng chỉ có 6 tầng trở xuống, không thang máy. Các căn hộ chỉ có một phòng ngủ, diện tích từ 21 đến 36 m2 mỗi căn và giá được Chính phủ quy định tối đa là 144 triệu rupiah một căn (tương đương khoảng 15.000 USD hay 250 triệu đồng Việt Nam). Phí quản lý chung cư hằng tháng được thu chỉ tương đương 0,5 USD (8.000 đồng) một m2.
Chỉ những người lao động có thu nhập bình quân trong năm dưới 480 USD mới được mua nhà ở đây (thu nhập bình quân đầu người ở Indonesia là 1.420 USD một năm theo số liệu năm 2006) và được trả chậm, tối đa trong 30 năm. Trong 4 hoặc 8 năm đầu, Chính phủ hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng. Hết thời hạn đó, chủ nhà phải chịu lãi suất theo thị trường. Ngoài ra, họ còn được giảm thuế giá trị gia tăng. Trong vòng 5 năm đầu, căn hộ bị cấm sang nhượng.
Doanh nghiệp đầu tư loại nhà này được Chính phủ khuyến cáo chọn những khu đất không quá xa trung tâm, thuận tiện để người dân còn đi làm, nhưng cũng không quá đắt để xây dựng chung cư, với giá phải chăng khoảng 1.050 USD một m2. Thuế xây dựng đánh vào loại nhà này (chủ đầu tư chịu) chỉ còn 1%, thay vì 5% so với các loại hình khác.
Được Chính phủ khuyến khích, lại thấy đầu tư loại nhà này rất dễ bán (70% dự án có căn hộ được khách mua hết ngay từ khi bắt tay làm móng), lợi nhuận của chủ đầu tư đạt mức trung bình khoảng 15%, nhờ vậy chương trình chung cư cho người thu nhập thấp đã phát triển khá nhanh, sau gần 2 năm đã hoàn thành khoảng 100.000 căn hộ (tương đương 20% kế hoạch).
Chính phủ Indonesia luôn tin rằng dù có nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu, chương trình nhà cho người thu nhập thấp luôn hoàn thành đúng hạn và thu được lợi nhuận nhất định. Giải pháp này cũng giải được một bài toán kinh tế và xã hội rất phức tạp như từng diễn ra ở nhiều quốc gia đang phát triển khác.
(Theo TTGC)