"Trong 3 chủ thể phải lo nhà ở cho người dân thì Nhà nước đứng đầu; sau
đó đến toàn thể xã hội, các doanh nghiệp, mặt trận, đoàn thể; cuối cùng
là mỗi hộ gia đình phải cố gắng dành dụm để tự lo nhà ở cho mình!"
"Trong 3 chủ thể phải lo nhà ở cho người dân thì Nhà nước đứng đầu; sau đó đến toàn thể xã hội, các doanh nghiệp, mặt trận, đoàn thể; cuối cùng là mỗi hộ gia đình phải cố gắng dành dụm để tự lo nhà ở cho mình!" - Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam nói.
Người dân Việt Nam đang rất quan tâm vấn đề nhà ở
Như tin đã đưa, sáng 6/7, tại Đà Nẵng đã khởi công 3 khu chung cư thu nhập thấp thuộc gói tín dụng 30.000 tỉ đồng hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội theo Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ. Tại đây, thay mặt Ban chỉ đạo TƯ về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam đã cho biết thêm nhiều thông tin liên quan đến gói tín dụng đang rất được dư luận quan tâm này.
Ông cho hay, theo thống kê của Liên hợp quốc, khi một quốc gia có thu nhập bình quân đầu người dưới 1.000USD/năm thì thông thường người dân lo vấn đề ăn, mặc, học hành, chữa bệnh; nhưng khi mức thu nhập đó đã lên từ 1.000 - 10.000USD thì nhà ở lại là vấn đề cấp thiết và được người dân rất quan tâm.
Việt Nam hiện đã bước ra khỏi ngưỡng các nước nghèo, tuy còn ở mức thấp với thu nhập bình quân đầu người trên 1.000USD nhưng cũng bắt đầu gia nhập vào đội ngũ các quốc gia phát triển trung bình. Vì thế, theo quy luật trên thế giới cũng như phong tục, tập quán của mình thì người dân Việt Nam rất quan tâm đến vấn đề nhà ở. Đây là một mong mỏi chính đáng và cũng rất bức xúc của người dân.
Trong bối cảnh đó, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, cuối năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định 2127/QĐ-TTg phê duyệt "Chiến lược quốc gia về phát triển nhà ở đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030". Trong đó nêu rõ quan điểm: "Nhà ở của người dân phải được nhà nước, xã hội và mỗi hộ gia đình chăm lo".
"Như vậy trong 3 chủ thể phải lo nhà ở cho người dân thì Nhà nước đứng đầu; sau đó đến toàn thể xã hội, các doanh nghiệp, mặt trận, đoàn thể; và cuối cùng là chính bản thân mỗi hộ gia đình phải cố gắng có công ăn việc làm, có thu nhập, có dành dụm, tiết kiệm để tự lo vấn đề nhà ở cho mình!" - Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam nói.
Ông cũng cho biết, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế 2 năm vừa qua, ngày 7/1/2013, Chính phủ đã có Nghị quyết 02/NQ-CP đưa ra nhiều giải pháp, biện pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, trong đó có các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, để giảm hàng tồn kho, đặc biệt là tồn kho về vật liệu xây dựng. Qua đó giảm nợ xấu đang tồn tại trong hệ thống ngân hàng.
Gói 30.000 tỉ không nhằm cứu thị trường bất động sản
Theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP, ngày 8/3, Bộ Xây dựng đã có Thông tư 02 hướng dẫn các chủ đầu tư báo cáo với chính quyền các tỉnh, thành để chuyển đổi các dự án nhà ở thương mại sang dự án nhà ở xã hội; điều chỉnh các dự án có cơ cấu căn hộ quy mô lớn, đắt tiền sang dự án các cơ cấu nhỏ hơn, giá cả vừa phải, phù hợp với sức thanh toán của người dân.
Tiếp đó, để thực hiện triển khai gói tín dụng 30.000 tỉ đồng hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội được nêu trong Nghị quyết 02/NQ-CP, Bộ Xây dựng đã cùng Ngân hàng Nhà nước ký ban hành Thông tư 07/2013/TT-BXD và Thông tư 11/2013/TT-NHNN hướng dẫn các doanh nghiệp, các hệ thống ngân hàng và người dân làm các thủ tục vay vốn từ gói tín dụng 30.000 tỉ đồng nêu trên.
"Gói 30.000 tỉ đồng này không nhằm cứu thị trường bất động sản, mà trước hết là để giải quyết khó khăn về nhà ở cho những người có thu nhập thấp, đặc biệt là ở các đô thị lớn. Qua đó khơi thông được dòng tiền đối ứng từ phía các doanh nghiệp, người dân. Đồng thời lôi kéo sự chú ý của người dân quay trở lại thị trường bất động sản. Và từ phân khúc nhà ở thu nhập thấp, chúng ta hy vọng sẽ lan tỏa, lấy lại lòng tin và khôi phục lại thị trường bất động sản nói chung" - Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam nói.
Theo ông, với các dự án nhà ở xã hội liên tiếp được khởi công ở Hà Nội, TP.HCM, Quy Nhơn, Vinh, Cần Thơ... từ khi có Nghị quyết 02/NQ-CP đến nay đã lôi kéo được một dòng tiền của xã hội vào gói 30.000 tỉ đồng, đưa được một lượng lớn vật liệu xây dựng vào các dự án này, tạo ra công ăn việc làm cho rất nhiều công ty xây lắp và sản xuất trang thiệt bị nội thất... Qua đó đáp ứng được một phần nhu cầu rất chính đáng và rất bức xúc của người dân có thu nhập thấp ở các đô thị lớn.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam nhấn mạnh: "Hôm nay tại Đà Nẵng, việc khởi công xây dựng các dự án nhà ở xã hội của liên doanh Công ty cổ phần Đức Mạnh và Công ty cổ phần Đầu tư - Xây dựng 579 cũng là một minh chứng rất sinh động cho việc Nghị quyết 02/CP, ý chí của chính quyền các địa phương đã được đưa vào thực tế cuộc sống, một mặt đáp ứng được nhu cầu của người dân, mặc khác đi đúng theo chủ trương của Đảng và Chính phủ về công tác an sinh xã hội, làm tăng lên lòng tin của người dân!".
Theo infonet