Xung quanh câu chuyện xây nhà ở và nhà lưu trú cho công nhân, chúng tôi đã có cuộc trao đổi ngắn với ông Nguyễn Quốc Tuấn - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội về vấn đề này.
Xung quanh câu chuyện xây nhà ở và nhà lưu trú cho công nhân, chúng tôi đã có cuộc trao đổi ngắn với ông Nguyễn Quốc Tuấn - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội về vấn đề này.
- Hà Nội đã triển khai Luật Nhà ở, Nghị định số 90/2006/NĐ-CP ngày 6-9-2006 của Chính phủ như thế nào, thưa ông?
- Thành phố đã xây dựng Đề án “Đầu tư xây dựng thí điểm nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2007-2010” và được phê duyệt tại Quyết định số 1291/QĐ-UBND ngày 16-10-2008. Trong đó có xây dựng nhà ở công nhân KCN Bắc Thăng Long tại Kim Chung, Đông Anh trên khu đất 20ha thuộc xã Kim Chung, Đông Anh để đầu tư xây dựng một khu ở đồng bộ cả hạ tầng xã hội, kỹ thuật cho công nhân KCN Bắc Thăng Long bằng nguồn vốn mua nhà qua Quỹ đầu tư phát triển thành phố Hà Nội và thu vốn trong thời gian 25 năm.
Xây dựng nhà ở với 26 đơn nguyên nhà 5 tầng - 864 căn hộ cho khoảng 9.100 công nhân thuê với diện tích sàn 95.000m2 với tổng kinh phí 317,37 tỷ đồng. Trong số này có 24 đơn nguyên với gần 800 căn hộ đã được bàn giao cho Công ty Quản lý phát triển nhà Hà Nội với 4 đơn nguyên đã đi vào sử dụng. Hiện công ty đang lắp đặt thiết bị nội thất cho 28 đơn nguyên còn 6 đơn nguyên đang tiếp tục hoàn thiện trang bị nội thất nhà ở cho sinh viên tại KCN Bắc Thăng Long.
- Trong năm 2010, Sở đã có kế hoạch dự kiến như thế nào về việc xây nhà ở cho công nhân?
- Trong năm nay, Sở sẽ hoàn thành Dự án đầu tư xây dựng thí điểm khu nhà ở cho công nhân thuê tại KCN Bắc Thăng Long, huyện Đông Anh trước mắt đáp ứng cho hơn 10.000 công nhân thuê (nhà cao 5 tầng). Dự kiến điều chỉnh chiều cao và mật độ diện tích đất còn lại để xây dựng hoàn thiện giai đoạn 1.
Tiếp tục Dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở cho công nhân thuê tại Kim Chung, Đông Anh với diện tích 11,9ha đất, xây dựng 360.000 m2 sàn kinh phí 1.837 tỷ đồng. Xây dựng nhà ở cho công nhân KCN Phú Nghĩa - Chương Mỹ với diện tích 3,9ha đất, xây dựng 54.500m2 sàn với kinh phí khoảng 300 tỷ đồng. Sắp tới đây, chúng tôi cũng tiếp tục triển khai việc xây nhà cho các gia đình công nhân thuê. Giai đoạn 2011-2015 sẽ phấn đấu 50% công nhân lao động tại các KCN có nhu cầu được giải quyết chỗ ở.
- Nhà ở và nhà lưu trú cho công nhân của Hà Nội vẫn chưa đáp ứng đủ yêu cầu của chủ các doanh nghiệp, theo ông trong quá trình xây dựng nhà ở cho công nhân tại các KCN vướng mắc là gì và Sở đã giải quyết như thế nào?
- Khó khăn thứ nhất là theo đề án “Đầu tư xây dựng thí điểm nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2007-2010” và quy định của thành phố giá thuê nhà ở công nhân là 120.000 đồng/tháng, tuy nhiên khi xuất hóa đơn lại phải tính thêm 10% thuế VAT do đó gây khó khăn cho chủ doanh nghiệp về kinh phí thuê nhà cho công nhân của doanh nghiệp.
Thứ hai là về nguồn vốn khi các nhà đầu tư tham gia xây dựng nhà ở cho công nhân KCN là nguồn vốn của doanh nghiệp bỏ ra đầu tư xây dựng, hoặc vay qua Quỹ đầu tư phát triển của thành phố, trong khi đó, thời gian thu hồi vốn lại kéo dài tới 20 năm, do vậy doanh nghiệp cũng gặp phải khó khăn về nguồn vốn.
Thứ ba là ngoài việc xây dựng nơi ở, cần phải tổ chức các cơ sở dịch vụ, phục vụ sinh hoạt công nhân như các công trình thể thao, văn hóa, quản lý đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân các KCN... đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn, đây cũng là một trong những khó khăn của thành phố. Để giải quyết những khó khăn này, Sở đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 18 của Chính phủ. Năm nay Hà Nội cũng sẽ thực hiện xong “Đầu tư xây dựng thí điểm nhà ở xã hội trên địa bàm thành phố Hà Nội giai đoạn 2007-2010” và sẽ có đánh giá, tổng kết mô hình thí điểm nhà ở xã hội để triển khai rộng rãi.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(Theo ANTĐ)