Trong những năm qua, chúng ta đã đầu tư nhiều nghìn tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, nhưng một việc rất quan trọng là chỗ ở cho người công nhân lao động thì chưa được quan tâm đúng mức.
Trong những năm qua, chúng ta đã đầu tư nhiều nghìn tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, nhưng một việc rất quan trọng là chỗ ở cho người công nhân lao động thì chưa được quan tâm đúng mức.
Nghị định 71/NĐ- CP, có hiệu lực từ ngày 8-8-2010, có những hướng dẫn thi hành về chính sách nhà ở xã hội cho các đối tượng công nhân, người lao động làm việc tại các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) là một quyết sách mới, trong đó quy định các ưu đãi đối với các doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho công nhân, giải quyết phần nào bức xúc của người lao động. Nhưng vẫn khó trăm bề. Người lao động trong các DN vẫn mỏi mòn hy vọng.
Chính quyền vào cuộc còn chậm
Hiện cả nước có hơn một triệu công nhân làm việc tại 154 KCN, KCX. Trong đó có mới chỉ 7-10% số lao động được thuê nhà trong các khu xây dựng thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước, số còn lại hơn 70%, phải thuê ở ngoài với chất lượng nhà thấp kém.
Theo khảo sát của phóng viên Thời Nay, hiện có rất ít các đơn vị, chính quyền các cấp quan tâm đầu tư cho vấn đề nhà ở của công nhân. Tại các vùng đô thị hóa mạnh với sự ra đời của một loạt các KCN, KCX như: KCN Phố Nối tỉnh Hưng Yên, KCN Phúc Yên tỉnh Vĩnh Phúc, Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh, Các KCN tại các tỉnh Thái Bình, Hải Phòng, Hà Nam và ngay tại Hà Nội… phần lớn, đều trắng không có khu nhà ở cho công nhân. Hàng triệu người công nhân đang ra sức lao động sản xuất cho sự nghiệp CNH, HĐH của đất nước đang phải sống tạm bợ trong các ngôi nhà tồi tàn, không bảo đảm để tái sản xuất sức lao động.
Ông Hoàng Đức Khang, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội) cho biết UBND TP Hà Nội đã quyết định dành 20 ha đất để xây nhà cho công nhân tại KCN Thăng Long (Hà Nội) và hiện xây được sáu tòa nhà, mỗi tòa cao năm tầng, nhưng cũng mới chỉ đáp ứng được hơn 5.000 lao động trong khi hiện nay toàn khu có tới hơn 30.000 công nhân. Các tòa nhà khác có lẽ cũng phải vài năm nữa mới hoàn thành. Ông Kha còn cho biết thêm, dân xã ông rất bức xúc về việc quá tải học sinh các trường mầm non và tiểu học.
Lãnh đạo thành phố Hà Nội cho biết, từ nay đến năm 2020, Hà Nội sẽ dành khoảng 500ha đất để xây dựng nhà cho công nhân với số tiền khoảng 12 nghìn tỷ đồng. Hà Nội, phấn đấu đến năm 2015 sẽ có 50% đến 60% công nhân làm việc tại các KCN, KCX được thuê, mua nhà ở. Hiện nay thành phố đang tập trung thí điểm xây dựng nhà ở cho công nhân tại xã Kim Chung (Đông Anh) và KCN Phú Nghĩa (Chương Mỹ), KCN Quang Minh (Mê Linh)… Như vậy người công nhân cũng còn phải chờ đợi vài năm nữa mới may ra có nhà.
Đầu tư thông thoáng hơn, vẫn trăm bề khó
Quy định của về nhà ở xã hội trong Nghị định 71/NĐ-CP thông thoáng hơn, khi thống nhất nhà ở xã hội cũng là cho người thu nhập thấp. Theo đó các dự án nhà ở xã hội có vốn ngoài ngân sách không bị khống chế số tầng, (nhưng mỗi căn hộ không được quá 70m2). Nhà ở xã hội chỉ được bán sau 10 năm từ khi ký hợp đồng. Nhà đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất, hưởng thuế suất ưu đãi VAT, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, được vay vốn kích cầu, tăng hệ số sử dụng đất lên 1,5 lần theo quy định…
Giám đốc một công ty tại KCN của tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, mặc dù Nghị định 71/NĐ- CP về xây nhà ở xã hội cho công nhân có thông thoáng hơn nhưng trên thực tế doanh nghiệp ít đầu tư vào lĩnh vực này. Đầu tư vào lĩnh vực trên phải rất lớn trong khi thu hồi vốn rất lâu. Vốn vay ngân hàng nói là được ưu đãi nhưng khi tiếp cận ngân hàng cũng khó mà vay được. Hơn nữa, ngân hàng thường cho vay ngắn hạn mà thời gian thu hồi vốn xây nhà cho công nhân lại mất từ 15 năm đến 20 năm. Khi ngân hàng thu nợ thì doanh nghiệp lấy đâu ra tiền để trả. Tháo gỡ vướng mắc trên chính là giải quyết được nguồn vốn để đầu tự, mà doanh nghiệp thì không thể tự giải quyết được.
Theo Nghị định 71, doanh nghiệp đầu tư xây khu lưu trú (KLT) cho công nhân không thu tiền thuê nhà hoặc thuê nhà với mức giá không vượt quá mức giá thuê nhà ở xã hội thì chi phí xây dựng KLT được tính vào giá thành sản xuất của doanh nghiệp. Nhưng theo ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, hiện nay doanh nghiệp còn phải đợi Bộ Tài chính thẩm định lại mức giá mới được hưởng ưu đãi. Đây là điều tréo ngoe trong văn bản luật khiến doanh nghiệp vướng thủ tục và phải chờ đợi. Ông Nguyễn Văn Hiệp cho biết: “Nhiều doanh nghiệp muốn xây KLT công nhân để “nuôi quân” của mình nhưng cơ chế hiện nay chưa khuyến khích doanh nghiệp triển khai việc này.” Đó là chưa kể khó khăn từng địa phương khi không dễ kiếm quỹ đất xây KLT cho công nhân.
Xây bở hơi tai
Mặc dù các KLT chưa có sức hút công nhân, nhưng do nhu cầu chỗ ở quá lớn nên việc cải thiện hình ảnh KLT và xây dựng KLT mới cho công nhân vẫn là trách nhiệm chung của doanh nghiệp, chủ đầu tư các KCX - KCN và chính quyền thành phố trong thời gian tới nhằm bảo đảm vấn đề an sinh xã hội và phát triển bền vững. Nghị định 71 về Luật Nhà ở chính thức có hiệu lực đầu tháng 8-2010 có nêu một số cơ chế ưu đãi nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, chủ đầu tư thực hiện các dự án KLT cho công nhân. Nhưng vì chưa có thông tư hướng dẫn nên việc triển khai luật đang rối mù. Tại TP Hồ Chí Minh, việc xây nhà cho công nhân đã khó lại càng khó do thành phố thiếu quỹ đất.
TP Hồ Chí Minh hiện có năm KLT đáp ứng chỗ ở cho khoảng 6.000 công nhân. Các KCX - KCN trên địa bàn thành phố đang thực hiện bảy dự án KLT cung ứng thêm khoảng 20.000 chỗ ở cho công nhân vào năm 2011. Tuy nhiên, số chỗ ở này chẳng thấm vào đâu so với số lượng 250.000 công nhân đang làm việc trong các KCN - KCX. Ông Vũ Văn Hòa, Trưởng ban Quản lý các KCX - KCN TP Hồ Chí Minh (HEPZA) nhận định: “Trong điều kiện hiện nay, doanh nghiệp xây KLT bở hơi tai cũng không đủ”.
Từ năm 2009, UBND TP Hồ Chí Minh giao cho Sở Xây dựng và HEPZA tìm kiếm khoảng 50 ha đất để thực hiện các dự án KLT công nhân. Nhưng từ đó đến nay, hai đơn vị này vẫn chưa thể tìm ra một miếng đất nào còn trống. Khi đàm phán, chính quyền các quận huyện đều từ chối do trong quy hoạch không có quỹ đất xây KLT công nhân.
Ông Hòa cho biết: “Phần lớn quy hoạch của các KCN - KCX đều không dành ra phần đất để xây dựng KLT công nhân. Những KLT ít ỏi hiện nay chủ yếu là nhờ chủ đầu tư KCX - KCN trích đất dự án và chủ động đầu tư xây chỗ ở cho công nhân. Còn việc xây dựng nhà ở cho công nhân chúng tôi chỉ vận động chứ không thể ép doanh nghiệp được”.
Nghị định 71/NĐ-CP ra đời sẽ có đóng góp thiết thực vào giải quyết vấn đề nhà ở cho người lao động có thu nhập thấp trong thời gian tới. Sự chung tay giữa chính quyền và doanh nghiệp sử dụng lao động sẽ góp phần biến hy vọng về nhà ở của người công nhân thành hiện thực.
Nhưng, nhìn vào thực tế, chuyện nhà ở cho công nhân trước mắt chưa phải dễ dàng. Vì vậy, người lao động trong các KCX, KCN vẫn mỏi mòn hy vọng.
(Theo NDĐT)