Sở Xây dựng vừa trình UBND TP Hà Nội ban hành quy định về quản lý sử dụng nhà ở xã hội. Đáng chú ý, theo quy định này, những cán bộ trẻ hoặc công nhân có tay nghề cao sẽ được ưu tiên nhận nhà trong đợt đầu.
Sở Xây dựng vừa trình UBND TP Hà Nội ban hành quy định về quản lý sử dụng nhà ở xã hội. Đáng chú ý, theo quy định này, những cán bộ trẻ hoặc công nhân có tay nghề cao sẽ được ưu tiên nhận nhà trong đợt đầu.
Ai được ưu tiên?
Theo đề xuất của Sở Xây dựng Hà Nội, có 3 nhóm đối tượng được ưu tiên thuê, mua nhà xã hội, nhà thu nhập thấp. Đó là các gia đình chính sách, có công với cách mạng; chuyên viên cao cấp hoặc có thành tích xuất sắc trong lao động, công tác, được Nhà nước phong tặng huân chương hoặc các danh hiệu giáo sư, phó giáo sư, nhà giáo hoặc nghệ sĩ nhân dân, ưu tú; cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học trở lên hoặc công nhân có tay nghề từ bậc 5 trở lên. Tất nhiên, đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp phải hội tụ 4 nhóm điều kiện.
Đầu tiên là các hộ gia đình chưa có nhà ở hoặc có nhà thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích quá chật chội. Cụ thể, diện tích bình quân của hộ gia đình phải thấp hơn 5m2 sử dụng/người hoặc diện tích khuôn viên đất của ngôi nhà thấp hơn tiêu chuẩn diện tích đất tối thiểu được phép cải tạo, xây dựng theo quy định. Bên cạnh đó, các hộ gia đình còn phải đáp ứng tiêu chí chưa được Nhà nước hỗ trợ về nhà ở, đất ở dưới mọi hình thức. Đối với trường hợp mua hoặc thuê nhà thu nhập thấp, phải có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú dài hạn tại Hà Nội. Trường hợp thuộc lực lượng vũ trang, nếu chưa có hộ khẩu hoặc tạm trú dài hạn, phải có xác nhận của đơn vị đang công tác về chức vụ, thời gian công tác và thực trạng nhà ở. Cuối cùng, hộ gia đình phải có thu nhập hằng tháng (tính bình quân đầu người) dưới mức bình quân của địa phương theo quy định của UBND TP.
Theo thang điểm tối đa là 100 (lựa chọn người ưu tiên bằng cách chấm điểm) do UBND TP quy định, tiêu chí khó khăn về nhà ở được tính cao nhất (50 điểm). Kế đó là tiêu chí về đối tượng (30 điểm) và các ưu tiên khác (10 điểm). Đặc biệt, nhóm gia đình chính sách và giáo sư được cộng 7 điểm. Nhóm cán bộ trẻ được 3 điểm. Các đối tượng có nhu cầu sẽ nộp đơn đăng ký cho chủ đầu tư dự án và Sở Xây dựng Hà Nội. Sở sẽ có trách nhiệm cùng liên ngành thành phố thẩm định hồ sơ, xét danh sách và trình UBND TP Hà Nội phê duyệt. "UBND TP cũng yêu cầu các chủ đầu tư có dự án nhà xã hội, nhà thu nhập thấp phải công khai các thông tin liên quan tới dự án để người dân biết, đăng ký nộp hồ sơ và giám sát" - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Quốc Tuấn cho biết.
Không được chuyển nhượng tự do
Do tính chất đặc thù của nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp, người thuê, thuê mua sẽ không có quyền tự do mua bán, chuyển nhượng. Tương tự, đối với hình thức nhà xã hội cho thuê, hộ gia đình thuê nhà cũng không được phép chuyển nhượng quyền thuê nhà. Trường hợp không còn nhu cầu thuê hoặc hết điều kiện thuê nhà, hộ gia đình phải trả lại nhà cho thành phố. Với nhà ở xã hội theo hình thức thuê mua, hộ gia đình chỉ được phép chuyển nhượng nhà đang thuê mua sau 10 năm kể từ khi ký hợp đồng và nhà đó đã được cấp giấy chứng nhận (GCN) quyền sở hữu nhà. Ngoài ra, hộ gia đình cũng không được bán ra ngoài mà phải bán lại cho cơ quan quản lý nhà của thành phố. Tương tự, đối với nhà ở cho người thu nhập thấp, hộ gia đình chỉ được bán sau 10 năm kể từ ngày ký hợp đồng và căn hộ phải có GCN. Căn hộ cũng chỉ được phép chuyển nhượng cho thành phố hoặc chủ đầu tư xây dựng nhà ở tại dự án đó hoặc cho đối tượng được mua nhà thu nhập thấp. Giá bán nhà cũng không được phép vượt quá mức giá nhà ở thu nhập thấp cùng loại tại thời điểm bán.
Theo ông Nguyễn Quốc Tuấn, Sở Xây dựng cũng đề xuất thành phố thu hồi nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp khi người thuê không trả tiền thuê liên tục trong 3 tháng mà không có lý do chính đáng hoặc người thuê tự ý bán nhà hoặc chuyển quyền thuê nhà. Quá trình thu hồi lại căn hộ, thanh lý hợp đồng với người thuê dự kiến sẽ diễn ra trong khoảng 50 ngày.
(Theo HNM)