Trong một năm qua, việc đầu tư xây dựng nhà ở cho sinh viên, công nhân và người thu nhập tại các địa phương trên cả nước bước đầu đã đạt được nhiều kết quả khả quan.
Trong một năm qua, việc đầu tư xây dựng nhà ở cho sinh viên, công nhân và người thu nhập tại các địa phương trên cả nước bước đầu đã đạt được nhiều kết quả khả quan.
Sáng ngày 28/1 tại Hà Nội, hội thảo: “Nhà ở xã hội và nhà ở cho ngưòi có thu nhập thấp - 01 năm nhìn lại” do Hiệp hội Bất động sản VN và Dothi.net – Archi Media tổ chức.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng ông Nguyễn Trần Nam, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản, bộ Xây dựng, ông Tống Văn Nga, phó chủ tịch thường trực Hiệp hội bất động sản Việt Nam, ông Nguyễn Văn Minh, Tổng thư ký hiệp hội bất động sản Việt Nam, ông Phạm Trung Tuyến, Vụ trưởng, trưởng văn phòng thường trực chỉ đạo Trung Ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản, đại diện sở Tài nguyên môi trường Hà Nội, đại diện sở Xây dựng Hà Nội, cùng các doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước tham dự.
Trong lời khai mạc hội thảo, ông Tống Văn Nga, phó chủ tịch thường trực hiệp hội bất động sản Việt Nam cho biết, tháng 3 năm 2009 Bộ Xây dựng đã chính thức trình Chính phủ phương án cụ thể về phát triển nhà cho đối tượng có thu nhập thấp và đã được thông qua với mục tiêu cụ thể là trong vòng 6 năm tiếp theo 60% số sinh viên, 50% công nhân lao động cũng như cán bộ có thu nhập bình quân dưới 1,5 triệu đồng/tháng sẽ có nhà ở
Tháng 12/2009 Hà Nội đã tiếp nhận 800 căn hộ đầu tiên của quỹ nhà ở xã hội tại Việt Hưng và đang chuẩn bi cho 5 dự án nhà ở xã hội tiếp theo tại KĐT mới Sài Đồng; Xã Ngũ Hiệp; xã Kim Chung; và Chương mỹ trong thời gian tới với tổng số căn hộ của 5 dự án là 4900 căn. Tổng công công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) và Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng (Vinaconex) cũng đã chính thức công bố triển khai các dự án trong khuôn khổ chính sách này tại Hà Nội
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam nhấn mạnh những vấn đề khó khăn khi thực hiện chương trình phát triển nhà ở xã hội, đó là về quỹ đất.
Để tháo gỡ những khó khăn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, Bộ đang phối hợp cùng Ngân hàng Phát triển Việt Nam nghiên cứu triển khai thực hiện cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở thu nhập thấp vay vốn tối đa 70% tổng mức đầu tư dự án, với mức lãi suất ưu đãi (6%-7%/năm), thời hạn vay từ 10-15 năm. Theo kế hoạch sẽ triển khai khoảng 30 dự án thí điểm trong năm 2010 và trong vòng 6 năm nữa 50% sinh viên và 60% công nhân, cán bộ công nhân viên có thu nhập thấp có nhà ở.
Ngoài ra, Bộ cũng khuyến khích các địa phương các cấp cần quan tâm, chỉ đạo đẩy mạnh công tác quy hoạch, tạo quỹ đất dành để xây dựng nhà ở thu nhập thấp trên từng địa bàn cũng như cải cách thủ tục hành chính nhằm rút ngắn tiến độ triển khai các dự án nói trên.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng - Cục QLN&TTBĐS - Bộ Xây dựng
Việc chăm lo, giải quyết nhà ở cho nhân dân nói chung và hỗ trợ giải quyết nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp nói riêng là một trong những mối quan tâm hàng đầu của Đảng, Nhà nước ta trong giai đoạn trước đây cũng như hiện nay.
Hiện nay, tại khu vực đô thị có rất nhiều hộ gia đình, cá nhân có thu nhập thấp đặc biệt là công nhân lao động tại các khu công nghiệp, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp đang gặp khó khăn về nhà ở.
Trên cả nước có 194 khu công nghiệp thu hút khoảng 1 triệu lao động trực tiếp và 1,2-1,5 triệu lao động gián tiếp; có gần 400 trường đai học, cao đẳng và trên 300 trường trung học dạy nghề, hàng năm đào tạo khoảng 3 triệu sinh viên.
Ngoài ra tại khu vực đô thị còn khoảng 600-700 ngàn cán bộ, công chức (1/3 số cán bộ, công chức, viên chức) và nhiều đối tượng thu nhập thấp khác còn gặp khó khăn về chỗ ở. Đến năm 2010 và 2020 lượng công nhân làm việc tại khu công nghiệp và sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp còn tăng lên rất nhiều. Chính vì vậy việc đầu tư xây dựng nhà ở phục vụ các đối tượng có thu nhập thấp này là cấp bách và cần thiết.
Sau khi Luật Nhà ở năm 2005 được ban hành, việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho các đối tượng có khó khăn tại đô thị gồm cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang, công nhân lao động tại khu công nghiệp được Nhà nước ưu đãi, khuyến khích đầu tư. Nhiều địa phương như Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh đã bước đầu triển khai các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Theo báo cáo của các địa phương, các dự án đã khởi công đều triển khai đảm bảo tiến độ, nhiều dự án đã hoàn thành xây dựng phần móng, đặc biệt một số dự án triển khai sớm đã xây dựng lên tầng 4-5 của công trình. Nhiều địa phương đang tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt để phấn đấu hoàn thành các dự án sớm trước tiến độ đề ra.
Đến nay, trên địa bàn cả nước đã có 24 dự án cho công nhân được khởi công với tổng số vốn khoảng 2600 tỷ đồng; 31 dự án nhà ở cho người có thu nhập thấp được khởi công xây dựng, với tổng mức đầu tư khoảng 2.500 tỷ đồng, tổng diện tích sàn xây dựng là 655.000 m2, tương ứng với khoảng 7.500 căn hộ. Thực tế cho thấy, một căn hộ diện tích 50m2 với mức giá bán bình quân từ 300 - 500 triệu đồng. Nếu thực hiện hình thức thuê mua (trả trước 20%) trong 20 năm, hàng tháng người mua chỉ phải trả khoảng 2 triệu đồng cho 1 căn hộ (4 người). Do đó, mức giá này phù hợp với khả năng chi trả đối với các hộ gia đình có thu nhập thấp, với mức thu nhập bình quân khoảng dưới 2,0 triệu đồng/tháng/người).
Dự kiến trong năm 2010, những dự án nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, nhà ở thu nhập thấp đầu tiên sẽ được đưa vào sử dụng như: dự án nhà ở xã hội tại khu ĐTM Việt Hưng (Hà Nội); dự án nhà ở cho người thu nhập thấp tại Vĩnh Yên do Công ty cổ phần Bêtông và Xây dựng Vinaconex Xuân Mai làm chủ đầu tư (Vĩnh Phúc); và 16 dự án nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh với tổng số khoảng 1.609 căn hộ chung cư...
Nhu cầu đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, nhà ở thu nhập thấp tại các địa phương trên cả nước là rất lớn. Theo báo cáo, có 264 dự án nhà ở công nhân đăng ký triển khai, tổng mức đầu tư khoảng 59.245 tỷ đồng, trong đó vốn đối ứng của địa phương khoảng 5.455 tỷ đồng, vốn huy động từ các thành phần kinh tế khoảng 53.790 tỷ đồng; có 263 dự án nhà ở thu nhập thấp đăng ký triển khai, tổng mức đầu tư khoảng 72.710 tỷ đồng, trong đó vốn đối ứng của địa phương khoảng 2.958 tỷ đồng, vốn huy động từ các thành phần kinh tế khoảng 69.752 tỷ đồng, số căn hộ dự kiến cần đầu tư khoảng 205.380 căn hộ, nhằm đáp ứng cho khoảng 821.520 người.
Sau khi hoàn thành, các dự án nhà ở sinh viên giai đoạn 2009-2010 dự kiến sẽ cung cấp thêm 330.000 chỗ ở cho sinh viên trên cả nước. Để đạt được mục tiêu đến năm 2015 sẽ đáp ứng chỗ ở cho 60% số học sinh, sinh viên mà Nghị quyết số 18/NQ-CP đã đề ra, chương trình đầu tư xây dựng nhà ở sinh viên từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cần tiếp tục được đẩy mạnh.
Theo tính toán của Bộ Xây dựng, trong giai đoạn 2011- 2015 cần khoảng 30.000 tỷ đồng, mỗi năm cần 6.000 tỷ đồng.
KS. Vũ Ngọc Đạm, đại diện Sở Xây dựng TP Hà Nội:
Triển khai Luật Nhà ở 2005 và chỉ đạo của Bộ Xây dựng, Thành phố Hà Nội đã xây dựng Đề án “Đầu tư xây dựng thí điểm Nhà ở xã hội trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2007-2010” được phê duyệt tại Quyết định số 1291/QĐ-UBND ngày 16/10/2008.
Theo Đề án sẽ xây dựng 800 căn hộ theo hình thức cho thuê, thuê mua tại khu đô thị mới Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội; Trong đó xây dựng khoảng 500 căn hộ cho thuê, bằng vốn ngân sách Thành phố, thời gian thu hồi vốn trong 30 năm với kinh phí 109,5 tỷ đồng; 300 căn hộ cho thuê mua do doanh nghiệp đầu tư, thời gian thu hồi vốn trong 20 năm với kinh phí 63 tỷ đồng, đến tháng 10/2010 sẽ xây dựng xong đưa vào khai thác sử dụng và xây dựng thí điểm khu nhà ở cho công nhân thuê tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long thuộc xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội xây dựng nhà ở cho khoảng 9100 công nhân thuê với diện tích sàn là 95.000 m2 tương đương 864 căn hộ, đầu tư xây dựng bằng vốn vay từ Quỹ đầu tư và phát triển Thành phố với kinh phí thực hiện là 317 tỷ đồng.
Trong tổng số 26 đơn nguyên đã xây dựng xong và bàn giao 24 đơn nguyên với gần 800 căn hộ cho Công ty Quản lý phát triển nhà, trong đó có 4 đơn nguyên đã đưa vào sử dụng. Hiện Công ty Quản lý phát triển nhà, đã trang bị xong trang thiết bị nội thất cho 18 đơn nguyên còn 6 đơn nguyên đang tiếp tục hoàn thiện trang bị nội thất nhà ở cho sinh viên tại khu Công nghiệp Bắc Thăng Long.
Các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội là cán bộ, công chức, viên chức, sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, các đối tượng đã trả nhà ở công vụ ...theo quy định của pháp luật về Nhà ở.
Sở Xây dựng cũng lập danh sách trình Bộ Xây dựng tìm kiếm nguồn vốn để xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2009-2010 với tổng kinh phí 2.475 tỷ đồng để xây dựng 4.900 căn hộ, đáp ứng 22.376 người.
Sở đã xây dựng dự thảo "Quy định về việc bán, cho thuê, thuê mua và quản lý sử dụng nhà ở thu nhập thấp, nhà ở xã hội trên địa bàn Thành phố Hà Nội" hiện đang xin ý kiến góp ý của các Sở, ngành trình Thành phố ban hành trong tháng 3/2010.
Ông Nguyễn Đức Hùng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị
Hưởng ứng chủ trương, chính sách của Chính phủ, Tổng công ty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị đã chủ động đăng ký tham gia Chương trình phát triển nhà ở xã hội với nhiều dự án tại một số địa phương trên cả nước như Hà Nội, Bắc Ninh, Phú Thọ, Thanh Hóa, Đà Nẵng và Bình Dương. Chỉ trong một thời gian ngắn, Tổng công ty đã khởi công xây dựng một số dự án nhà ở xã hội tại Thanh Hóa và Bình Dương và tiếp tục xúc tiến triển khai các dự án tại các địa bàn khác.
Tổng công ty chủ trương triển khai xây dựng các khu nhà ở xã hội có mức giá phù hợp nhưng vẫn đảm bảo chất lượng.
Công ty CP Đầu tư và Xây dựng HUD4 thuộc Tổng công ty cũng đã lựa chọn áp dụng công nghệ sàn bê tông nhẹ và thép dự ứng lực cho dự án Khu chung cư cho người thu nhập thấp tại phường Phú Sơn, thành phố Thanh Hóa với những ưu điểm giúp giảm trọng lượng, tăng khả năng chịu lực và độ vượt nhịp lớn, thời gian thi công nhanh và giá thành xây dựng giảm.
Ngoài những cơ chế ưu đãi của Nhà nước, chính quyền các địa phương cần căn cứ vào tình hình thực tế để có cơ chế, chính sách hỗ trợ chủ đầu tư như: tạo quỹ đất sạch, cung cấp các công trình kỹ thuật đấu nối,... Đây sẽ là một trong những yếu tố quan trọng làm giảm giá thành nhà ở xã hội.
Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, một số chủ đầu tư, trong đó có Tổng công ty HUD có thể sớm triển khai các công trình nhà ở xã hội là do có sẵn quỹ đất đã giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật từ trước trong các dự án của Tổng công ty.
Tuy nhiên, để đảm bảo Chương trình phát triển nhà ở xã hội phát triển bền vững, Nhà nước cần cụ thể hóa hơn nữa các chính sách hỗ trợ, khuyến khích về quỹ đất, cơ chế giải phóng mặt bằng, tín dụng với lãi suất ưu đãi,...
Ông Đỗ Thạch Cương, Phó tổng giám đốc công ty cổ phần bê tông và xây dựng Vinaconex Xuân Mai:
Công ty cổ phần bê tông và xây dựng Vinaconex Xuân Mai nổi lên với những công trình nhà giá thấp. Vinaconex Xuân Mai đã xây hàng triệu mét vuông nhà ở giá rẻ và bằng việc áp dụng công nghệ mới vào xây dựng đang từng bước đem đến cho người lao động những cơ hội sở hữu một căn nhà mơ ước, mở ra những bước phát triển mới trong việc kiên cố hoá nhà ở, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người lao động.
Với việc ứng dụng công nghệ sản xuất bê tông dự ứng lực tiền chế bằng phương pháp kéo trước, Công ty không những tiết kiệm được lao động, chi phí mà còn giảm thời gian thi công từ 25-50%. Thông thường, đổ một khối bê tông cần vài công nhân, lại mất thời gian chờ bê tông khô. Nhưng nhờ ứng dụng công nghệ mới, Công ty chỉ cần 4 công nhân có thể đổ 1.000m3 bê tông/ngày (tương đương với 20 căn hộ 50m).
Hơn nữa, sản phẩm này lại được sản xuất tại nhà máy, sau đó được vận chuyển đến nơi thi công để lắp ghép, liên kết với nhau bằng mối nối ướt theo công nghệ của Bỉ nên tiết kiệm được rất nhiều thời gian và giá thành.
Cùng với việc ứng dụng công nghệ này, Vinaconex Xuân Mai còn ứng dụng hàng loạt công nghệ mới vào xây dựng như: cọc cừ dự ứng lực đúc sẵn thay tường baret, sử dụng phương pháp cọc nhồi khi làm móng giúp giảm tới 50% chi phí. Hay như việc sử dụng gạch xây là gạch block thay gạch đỏ (giảm 30% chi phí), sử dụng vữa khô trộn sẵn, cầu thang đổ sẵn… Cách làm này không những tiết kiệm được thời gian, chi phí, số lượng công nhân mà còn có chất lượng cao do các khâu đều có định lượng sẵn.
Các khu chung cư mà công ty thi công kết hợp với các công trình phụ trợ thỏa mãn nhu cầu dân sinh như: cung cấp điện, nước sạch, hệ thống thông tin, phòng khám y tế đa khoa, sân thể thao, khu vui chơi giải trí tổng hợp, nhà hàng, bể bơi trong nhà, trường mầm non, trường tiểu học, trường THCS đạt chuẩn quốc gia...
Xây dựng nhà ở xã hội,làm nhà giá thấp để phục vụ cho đông đảo tầng lớp lao động trong cả nước nhằm"góp những điều giản dị, tạo niềm tin vững bền" luôn luôn là mục tiêu mà công ty Cổ phần Bê tông & Xây dựng Vinaconex Xuân Mai hướng tới.
PV Đô Thị